Phố Tây chốn 'nhà quê'

15/11/2015 05:35 GMT+7

Giữa một tỉnh nhỏ tưởng chừng hoang vắng, ít ai nghĩ rằng một khu phố Tây hoạt động sôi nổi đóng vai trò như một trong các điểm nhấn góp phần thu hút hàng triệu du khách mỗi năm đến tỉnh nhà.

Giữa một tỉnh nhỏ tưởng chừng hoang vắng, ít ai nghĩ rằng một khu phố Tây hoạt động sôi nổi đóng vai trò như một trong các điểm nhấn góp phần thu hút hàng triệu du khách mỗi năm đến tỉnh nhà.

Con phố mua sắm ở khu biển Ao NangCon phố mua sắm ở khu biển Ao Nang
Cách làm du lịch của người Thái quả thực đáng học hỏi.
Trong đêm tối, chiếc xe vượt qua những cung đường vắng vẻ khiến tôi không khỏi thắc mắc: “Đi mua sắm gì mà toàn qua nơi đồng không mông quạnh”. Di chuyển trong đêm tối như thế giữa tỉnh Krabi, thuộc miền nam Thái Lan từng có không ít “thành tích” về khủng bố do một số lực lượng Hồi giáo cực đoan gây ra, thì kỳ vọng về một khu thị tứ càng trở nên xa lạ.
Một hòn đảo ở Krabi
Một hòn đảo ở Krabi
Thế giới tề tựu
Thế nhưng, chỉ sau 20 phút di chuyển từ khu nghỉ dưỡng, cả đoàn không khỏi bất ngờ khi trước mắt là một con phố Tây đích thực hướng mặt ra biển. Xe đạp, xe máy lẫn xe hơi đậu san sát bên vệ đường, không khí mua sắm đầy nhộn nhịp đối lập hẳn với phía bên kia là biển Ao Nang đầy tĩnh lặng trong đêm. Suốt con phố dài khoảng 1 km, những cửa hàng xen kẽ quán ăn trở thành điểm đến của hàng ngàn du khách, dù là ngày đầu tuần.
Krabi là một tỉnh ở miền nam Thái Lan với diện tích khoảng 4.700 km2, dân số chưa đến 500.000 người và phần lớn theo đạo Hồi, cách Bangkok khoảng 90 phút di chuyển bằng máy bay. Theo những tài liệu lịch sử thì cộng đồng ở Krabi hình thành từ thời tiền sử. Tỉnh này có khoảng 130 hòn đảo lớn nhỏ nằm trên biển Andaman.
Từng cửa hàng bày biện hàng hóa khá bài bản, gọn gàng, không hề tràn ra gây trở ngại cho người đi bộ, vỉa hè còn có cả chỗ cho người đi đường ngồi nghỉ. Hàng hóa thì gần như “thượng vàng hạ cám”, từ vật dụng hằng ngày, mỹ phẩm, quần áo... đến cả các đồ dùng cần thiết để du lịch biển, chứ không chỉ là những vật lưu niệm của địa phương. Thậm chí, cửa hàng nhỏ bán trang sức tưởng chừng chỉ để “đeo cho vui”, nhưng lại khiến những người sành sỏi phải ngạc nhiên bởi có cả các loại trang sức vàng, đá quý đắt tiền. Bởi thế, dù là du khách ít tiền hay nhiều tiền thì đều có thể tìm được một số món hàng ưng ý. Quan trọng hơn cả chính là cách thức, thái độ bán hàng khá hòa nhã, chiều lòng khách và tuyệt nhiên không đeo bám gây phiền hà.
Xen kẽ giữa các cửa hàng là những tiệm ăn với đủ phong cách ẩm thực từ phương Tây đến Á Đông. Cuộc cạnh tranh trên con phố này không đơn thuần là hàng quán của người địa phương mà ngay cả những tên tuổi như Buger King cũng hiện diện tại đây. Giá tất cả mặt hàng đều được niêm yết rõ ràng, để khách hàng an tâm thưởng thức.
Tô điểm cho cuộc sống về đêm của con phố còn là hàng chục quán cà phê, bar với nhiều phong cách khác nhau để du khách lựa chọn làm chốn thư giãn. Không khí cực kỳ sôi động với bao du khách nhún nhảy giữa màn trình diễn của các ca sĩ. Loại hình sexy show đặc trưng xứ Thái cũng hiện diện nơi đây. Mọi thứ góp phần biến con phố trở thành như một thế giới giải trí, mua sắm thu nhỏ theo đúng cách mà người Thái định hình nền du lịch của mình để tạo ra hàng chục tỉ USD mỗi năm.
Tỉnh lẻ thời hội nhập
Thực sự, quy cách làm du lịch bài bản và chuyên nghiệp của Thái Lan dường như ăn sâu vào từng con phố, từ trung tâm thủ đô Bangkok đến cả những tỉnh nhỏ, khiến du khách dù đi rất nhiều nước cũng không khỏi bất ngờ. Đó có thể chỉ là điều tưởng chừng rất đơn giản như việc bước lên taxi và yêu cầu bật đồng hồ thì không phải lo ngại bị “chặt chém”.
Krabi cũng vậy, ấn tượng đầu tiên khi máy bay vừa đáp xuống chính là sân bay khá hiện đại, chuyên nghiệp như các sân bay lớn trên thế giới, dù không thể so sánh về quy mô. Tiếp đó, dù chẳng phải là một thành phố phát triển về cơ sở hạ tầng, nhưng lại không hề thiếu vắng các loại hình phân phối hiện đại. Ở tỉnh nhỏ này, bên cạnh hệ thống cửa hàng tiện ích Family Mart vốn của người Thái, còn có cả các chuỗi cửa hàng 7-Eleven nổi tiếng thế giới. Sự hiện diện xen kẽ của Family Mart cùng 7-Eleven dường như tạo ra một hình ảnh minh chứng cho sức sống của nền kinh tế xứ chùa vàng giữa một thế giới hội nhập.
Bên trong một bar tại phố Tây ở Krabi Bên trong một bar tại phố Tây ở Krabi
Sức sống đó thể hiện đậm nét ở một tỉnh như Krabi khi quy tụ hàng loạt tên tuổi của ngành khách sạn thế giới như: Sofitel, Ritz-Carlton, Ibis, Holiday Inn… Dù quy tụ hàng loạt những khu nghỉ dưỡng, khách sạn từ bình dân đến sang trọng nhưng những khu vực chúng tôi đi qua, không một công trình nào chiếm dụng bãi biển làm khu vực riêng. Các bãi biển đều là khu vực chung mà mọi người đều có thể tận hưởng khi đến đây.
Không chỉ ở những khách sạn cao cấp, mà thậm chí những quán ăn bình dân cũng phục vụ tận tình và chỉn chu. Dường như từng nhu cầu cơ bản của du khách đều được quan tâm. Bên một quán ăn bình dân nơi cửa sông mà chúng tôi ghé qua, nhà vệ sinh rất sạch sẽ, tươm tất. Thậm chí, khu vực tiểu tiện còn được bố trí tùy theo vóc dáng cao thấp của du khách phương Tây và châu Á.
Tất cả những gì Krabi đem đến dù không được mang danh là thành phố đáng sống hay không đáng sống trên thế giới, thì vẫn đủ để du khách có lý do quay lại. Và con số 3 triệu lượt khách du lịch tìm đến tỉnh này mỗi năm đã chứng minh cho điều đó. Bởi thế, tôi không khỏi chạnh lòng khi chính một người Thái đưa chúng tôi đi tham quan cũng phải thừa nhận: thực ra, những hòn đảo mà chúng tôi ghé qua ở Krabi cảnh trí đâu có gì hơn vịnh Hạ Long của VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.