Phở Thìn Tokyo: Người đàn ông Nhật 'phải lòng' phở từ lần đầu thưởng thức

24/08/2019 13:03 GMT+7

Vào ngày 9.3.2019, một quán phở Thìn ở Tokyo (Nhật Bản) đã khai trương với rất đông khách xếp hàng để chờ tới lượt. Và với ông chủ người Nhật, quán phở ấy là cả một hành trình dài.

Có người vào ăn thì tấm tắc ngợi khen rằng hương vị rất giống với phở Thìn Lò Đúc nổi tiếng ở Việt Nam. Anh Kenji Sumi, chủ quán phở Thìn Tokyo đã trải qua một hành trình dài hơi để thực hiện sứ mệnh tái hiện hương vị gốc của phở Thìn Lò Đúc trên đất Nhật.

Tô phở Thìn ở Tokyo có đầy đủ hành lá, chanh, tương ớt làm theo kiểu Hà Nội.

“Bén duyên” với phở Thìn

Vì thường xuyên đến Việt Nam công tác nên anh Kenji Sumi có cơ hội thưởng thức nhiều món ngon nơi đây. Nhưng không có món nào để lại ấn tượng mạnh trong anh bằng phở Thìn ở số 13 Lò Đúc nổi tiếng. Vị nước lèo ngọt thanh cùng miếng thịt bò mềm ngon đã khiến anh “phải lòng” phở Thìn ngay từ lần đầu thưởng thức.

Để có tô phở Thìn đúng điệu ở Tokyo, anh Kenji Sumi phải lặn lội đi kiếm rất nhiều nguyên liệu như hành lá, tỏi, rau mùi tươi ngon và có mùi thơm đặc trưng.

Và anh mong muốn nhiều người Nhật khác có thể nếm được hương vị đặc biệt này mà không cần lặn lội đến Việt Nam. Vậy thì chỉ còn cách mở một quán phở Thìn ngay tại trái tim của nước Nhật - Tokyo.
Để thực hiện mong muốn này, anh quyết tâm gặp trực tiếp bác Thìn - người sáng lập phở Thìn Lò Đúc ở Hà Nội, để học bí quyết nấu món phở đúng chất “Thìn”. Quá trình gặp mặt không diễn ra suôn sẻ khi, anh đến thì bác Thìn không có mặt, khi thì người đi phiên dịch cùng anh không đến được. Nhưng cuối cùng, nhờ sự chân thành của mình, anh đã thuyết phục được bác Thìn gật đầu đồng ý, cùng anh thực hiện quyết tâm mở quán phở ở Nhật.

Hành trình chuẩn bị và cái tâm của người đầu bếp

Trước khoảng 4 tháng từ ngày khai trương quán Phở Thìn Tokyo, anh Kenji Sumi cùng hai người bạn của mình ở lại Hà Nội 10 ngày để học nấu món phở dưới sự hướng dẫn trực tiếp của bác Thìn. Tất cả công đoạn cần thiết để làm ra bát phở ngon như chọn nguyên liệu, nấu nước dùng, cách xào thịt, làm tương ớt... đều được bác Thìn chỉ dạy tận tình và nghiêm khắc.
Với anh, công đoạn khó nhất là nấu nước dùng. Dù rằng cách nấu nghe qua khá đơn giản: Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, thêm gia vị rồi ninh lên thật kỹ, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy thật chẳng dễ dàng. Từng nguyên liệu cần được tự tay chế biến sơ bộ và phải mất từ 8 đến 9 tiếng mới nấu xong nước dùng. 
Học nấu phở ở Việt Nam chưa đủ. Anh mời bác Thìn đến Nhật Bản để tìm kiếm, kiểm định nguyên liệu do nguyên liệu làm phở ở Nhật không có sẵn như tại Việt Nam. Bác Thìn là một đầu bếp chuyên nghiệp nên công cuộc kiểm định diễn ra vô cùng khắt khe. Dù thực phẩm được đóng gói trong bao bì plastic nhưng vẫn ngửi thấy mùi. Tất cả gia vị, bún đã chuẩn bị từ trước đều không đạt yêu cầu của bác.
Vậy là anh Kenji Sumi đến các tỉnh lân cận để tìm nguyên liệu thích hợp. Anh lấy tỏi ở vùng trồng tỏi nổi tiếng nhất nước Nhật - Aomori; chọn rau mùi trong nông trường trồng rau mùi tươi ngon ở Saga. Phở thì không thể thiếu hành lá. Anh đến một chỗ sản xuất hành lá có tiếng ở thành phố Asakura thuộc tỉnh Fukuoka với mong muốn nhập trực tiếp.
Nơi này từ trước đến giờ chưa bao giờ bán trực tiếp cho khách hàng riêng lẻ. Nhưng người chủ khi nghe câu chuyện khởi nghiệp quán phở của anh Kenji Sumi thì cảm thấy thích thú nên đã phá lệ, quyết định bán trực tiếp cho trường hợp đặc biệt này. Và thật may khi tất cả những nguyên liệu trên đã qua được con mắt kiểm duyệt của bác Thìn. 

Anh Kenji Sumi  luôn làm theo từng lời chỉ dạy của bác Thìn để có được tô phở mang hương vị đặc trưng nhất.

Không chỉ nguyên liệu mà bác Thìn còn đặt ra yêu cầu cho từng vật dụng nấu nướng. Bát ăn phở phải là đồ gốm sứ màu trắng. Đũa là loại dùng một lần làm bằng gỗ. Nồi nấu nước dùng cần to hơn. Dao mài phải bén đến độ cắt thịt ngọt lịm. Ngoài ra bác còn kiểm tra cả cách bài trí nội thất, vì đó được xem là bộ mặt của cửa hàng. Bác chủ trương sử dụng các vật liệu tự nhiên không chứa chất hóa học. Bàn ghế phải chọn màu sắc thể hiện thế giới quan của cửa hàng. Cách bài trí ánh sáng, tường vôi quét sơn, không gian... đều được bác Thìn chú tâm sắp xếp sao cho có thể tạo được cảm giác thoải mái cho khách hàng.
Từ những yêu cầu trên, anh Kenji Sumi hiểu được điều gì đã làm nên sự nổi tiếng của phở Thìn ở quê nhà. Đó đều xuất phát từ cái tâm đặt mình vào vị trí khách hàng của bác Thìn, luôn mong muốn đem đến những điều tốt nhất cho từng vị khách đến thưởng thức món ăn nơi đây. 

Sứ mệnh giữ gìn hương vị nguyên gốc của phở Thìn

Nhờ vào sự kiểm định nghiêm khắc của bác Thìn mà bát phở Thìn đã được “trình làng” một cách vẹn nguyên nhất trên đất Nhật: sợi phở là loại phở tươi được dùng ở các quán phở tại Việt Nam chứ không phải loại phở khô ở Nhật; thịt đùi bò mềm ngon; nước dùng tuy hơi nhạt nhưng nếu cho thêm gia vị thì vẫn dậy lên hương vị ngọt thanh quen thuộc nơi quê nhà.

Mơ ước của anh Kenji Sumi là tạo nên văn hóa ăn phở ở Nhật.

Sức hút của phở Thìn Tokyo được chứng minh vào ngày khai trương. Hơn 100 bát phở đã bán hết trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ. Đến anh Kenji Sumi cũng cảm thấy bất ngờ vì thành công vượt quá sức mong đợi này. 
“Sứ mệnh của tôi là tái hiện và giữ gìn hương vị nguyên gốc của phở Thìn Lò Đúc. Không chỉ trong hương vị mà còn ở vẻ ngoài, cách bài trí, gia vị đi kèm (như chanh, tương ớt, hành lá, rau mùi, giấm tỏi), có cả bát trứng trần. Có những khách từng ăn món phở Thìn ở Hà Nội cũng nhận xét là phở của tôi thật giống với vị gốc”, anh chia sẻ.
Những lời khen ngợi đó từ khách hàng khiến anh vui nhất vì đã hoàn thành đúng tâm nguyện ban đầu. Đây cũng làm nên điểm khác biệt giữa phở Thìn Tokyo và các quán phở Việt khác trong cùng khu vực. Anh không thay đổi để cho hợp với khẩu vị người Nhật mà cố gắng tái hiện một cách trung thực nhất hương vị gốc mà bác Thìn đã tự tay truyền lại. 
Kế hoạch sắp tới của anh là tạo nên văn hóa ăn phở ở Nhật, đem món ngon này đến cho nhiều người thưởng thức hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.