Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, xử lý việc Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam gửi thư kiến nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ở H.Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Miếu bà Phi Yến (An Sơn miếu) |
BÙI THANH |
Cụ thể, trong văn bản chỉ đạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ VH-TT-DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Trước đó, trên Báo Thanh Niên có bài đăng về Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo, vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản".
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng ký tên vào bản kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản văn hóa cùng các cơ quan liên quan đề nghị thu hồi quyết định công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống An Sơn miếu tại H.Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời đề nghị thu hồi quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh An Sơn miếu tại H.Côn Đảo.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm ngày 26.4 |
BÙI NGỌC LONG |
Tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử với 16 tham luận, trong đó có 3 tham luận được trình bày tại tọa đàm. Các ý kiến tham luận dựa vào chính sử triều Nguyễn, thế phả của Hoàng tộc triều Nguyễn, ghi chép của các sử gia người Pháp cùng các nghiên cứu đã công bố để chứng minh bà thứ phi Hoàng Phi Yến (còn gọi Phi Yến, tên là Lê Thị Răm) và hoàng tử Cải (còn gọi hoàng tử Hội An) là 2 nhân vật truyền thuyết, hư cấu, không có thật.
Trong tham luận, các nhà nghiên cứu nêu rõ truyền thuyết cho rằng bà Phi Yến vì can ngăn Nguyễn Ánh cầu viện Pháp là “cõng rắn cắn gà nhà” nên bị Nguyễn Ánh giam vào hang và ném hoàng tử Cải xuống biển là câu chuyện hư cấu, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm nhân vật lịch sử như vua Gia Long.
Một số nhà nghiên cứu cũng khẳng định: địa danh Côn Lôn ghi trong Đại Nam thực lục, nơi Nguyễn Ánh từng chạy trốn quân Tây Sơn hồi tháng 6 - 7.1783, không phải là Côn Đảo.
Bình luận (0)