Phát biểu tại thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 22.5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã lý giải rõ hơn về câu chuyện giá điện tăng đang gây bức xúc dư luận.
Về thời điểm tăng giá tại sao lại là tháng 3, là mùa hè, khiến hóa đơn điện nhiều gia đình tăng đột biến, Phó thủ tướng cho biết: “20.3 đâu phải mùa hè? Trước 20.3 còn chưa đến rét nàng Bân. Còn có bài thơ “Tháng 3 đột ngột mưa rào/Để cho em trộm bước vào đời anh”. Chưa có năm nào thời tiết lại trái như năm nay. Và tháng 3, theo quy luật, CPI tăng cao vào tháng 2 là tháng tết, thì tháng 3 giảm rất mạnh. Tháng 3 chúng ta tăng giá điện rồi mà CPI vẫn âm. Như vậy đỡ được chuyện lạm phát kỳ vọng do tác động tâm lý. Cho nên, Chính phủ chọn tăng vào tháng 3”.
Cũng theo Phó thủ tướng, Chính phủ không dự báo được việc tháng 4 nắng như đổ lửa. “Trước đây, đến các bãi biển tháng 4 nhiều nơi còn rét chưa tắm được. Nhưng năm nay, trước 30.4 10 ngày còn nắng như đổ lửa, nhưng đầu tháng 5 thì lại như mùa đông. Lạ thế. Hoa sữa lại nở vào tháng 5. Cái này dự báo không được. Chả có Chính phủ nào dự báo được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5. Cái này phải thông cảm cho Chính phủ”, Phó thủ tướng nói.
[VIDEO] Người Hà Nội ngỡ ngàng vì hoa sữa nở trái mùa nở nồng nàn giữa tháng Năm
|
Phó Thủ tướng cho rằng, tết không tăng được giá điện, nên nếu tháng 3 không tăng thì tháng 4, tháng 5, tháng 6 còn mùa hè hơn. Nếu để sau tháng 6, tháng 7 thì mức tăng phải gấp đôi thì mới trang trải được khoản 20.000 tỉ biến động đầu vào mua điện của EVN, vì phải tăng giá 1 năm mới đủ trang trải con số này.
“Thế giới bây giờ cái gì là chắc chắn nhất? Tôi sang tận Harvard, hỏi các giáo sư đầu ngành, thì họ nói là cái chắc chắn nhất bây giờ là chả có gì chắc chắn. Căng thẳng thương mại Trung Quốc - Mỹ, tưởng chỉ còn đặt bút ký là đạt thỏa thuận, đùng cái là tan vỡ. Thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng vậy. Dự báo đúng là cần tăng cường hơn nữa, nhưng rất khó đoán, khó lường. Cho nên, (Chính phủ) báo cáo thêm để có sự chia sẻ”, Phó thủ tướng bày tỏ và khẳng định thêm là Chính phủ sẽ tiếp tục theo sát tác động của việc điều chỉnh giá.
Phó thủ tướng cũng giải thích thêm về lợi nhuận của EVN, theo đó Chính phủ chỉ cho phép EVN có mức lợi nhuận là 3% thôi.
"Tổng khoản chi phí đầu vào tăng thêm là 20.000 ngàn tỉ, tính toán ra thì giá thành tăng lên khoảng 8,36%. Thường trực Chính phủ đã họp đi họp lại nhiều lần. Tuy tăng giá dưới 10% là quyền của Bộ Công thương, nhưng xét thấy luật Điện lực cũng nói, luật Giá nói là ảnh hưởng kinh tế vĩ mô thì Thủ tướng quyết, nên Chính phủ đã họp đi họp lại với các tập đoàn, tổng công ty và đã lựa chọn tăng 8,36% thay cho 9,26% như đề nghị của các bộ", Phó thủ tướng nói thêm và đề nghị các đại biểu đọc kỹ báo cáo đã được Chính phủ gửi đến Quốc hội.
Bình luận (0)