Phó thủ tướng: 'Giá xăng dầu trong nước tăng ở mức ‘chịu đựng được’

25/02/2022 16:53 GMT+7

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, trong hơn 1 tháng, dù giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng từ 15,45 - 20,88% nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59 - 14,04% là mức độ "chịu đựng được".

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu như trên khi chủ trì cuộc họp hôm nay 25.2 của Ban Chỉ đạo điều hành giá Chính phủ để nghe báo cáo về kết quả công tác điều hành giá 2 tháng, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, qua đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong công tác điều hành giá 10 tháng còn lại của năm 2022.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 25.2

Q. Thương

"Khó nhất là vấn đề giá xăng dầu"

Tại cuộc họp, các bộ ngành đều nhấn mạnh "khó nhất là vấn đề giá xăng dầu" và tập trung đề xuất một số giải pháp quan trọng về quản lý giá và bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng liên tục, tăng rất cao; quản lý thị trường xăng dầu, ngăn chặn tình trạng găm hàng; tăng cường kết nối cung cầu, thực hiện tốt công tác lưu thông, bảo đảm các loại hàng hóa chiến lược, thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá; quản lý giá cước vận tải, vật liệu xây dựng; bảo đảm về vật tư, trang thiết bị y tế, kit test, thuốc chữa bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Đại diện các bộ, ngành đề xuất, trong thời gian tới, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, thế giới để chủ động, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong công tác điều hành giá; sẵn sàng các kịch bản điều hành giá trước các biến động; tăng cường công tác thông tin truyền thông về điều hành giá công khai, minh bạch, kịp thời, xác thực để nhân dân hiểu, ủng hộ công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan nhà nước, không để nhiễu loạn thông tin, gây ra những ảnh hưởng không đáng có…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, từ ngày 11.1 đến 21.2, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng từ 15,45 - 20,88%. Tuy nhiên giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59 - 14,04%. Điều này chứng tỏ chúng đã điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ "chịu đựng được", thấp hơn các nước trong khu vực.

Phó thủ tướng cũng lưu ý, việc giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu một số nước láng giềng có thể dẫn tới tình trạng buôn lậu mặt hàng này qua biên giới. Do đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.

"Lường trước tình huống xấu hơn"

Vừa qua có tình trạng một số cơ sở kinh doanh xăng dầu găm hàng nhưng không phải là hiện tượng phổ biến, đơn cử như cả TP.HCM có 458 cửa hàng thì chỉ có 8 cơ sở găm hàng, ngừng bán…

Phó thủ tướng khẳng định hiện tượng này xảy ra không phải là do thiếu nguồn cung, hay doanh nghiệp cố tình găm hàng để đẩy giá lên (vì giá xăng do nhà nước định giá theo kỳ điều hành, niêm yết theo quy định) mà là do nhận thức của người kinh doanh và nhấn mạnh “đây là hành vi kinh doanh không đúng quy định của pháp luật”. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh, khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi sai phạm hoặc phát hiện thông qua phản ánh của báo chí sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục triển khai giải pháp bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân… Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật, phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ.

Hiện nay giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng và các dự đoán giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thêm. Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản, "lường trước tình huống xấu hơn" để có giải pháp ứng phó phù hợp. Theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung - cầu, không thể để thiếu. Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công thương chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đầu mối nhập khẩu để nhập khẩu hợp lý, tiết kiệm ngoại tệ, bảo đảm nhu cầu trong nước. Trong đó, đối với vấn đề giá, cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.

Đối với mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, vừa qua có tình trạng mặt hàng kit xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiện tượng khan hiếm và tăng giá cục bộ ở một số thời điểm, dư luận rất quan tâm.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đầy đủ nguồn cung, triển khai các biện pháp quản lý giá, bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là mặt hàng kit test.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.