Phó thủ tướng Lê Văn Thành: 'Đồng Nai cần xây dựng kịch bản cho tình huống xấu hơn'

25/08/2021 14:27 GMT+7

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sáng 25.8, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng Đồng Nai đã ghi nhận 20.000 ca nhiễm Covid-19 , tỉnh cần xây dựng kịch bản cho tình huống xấu hơn, để chủ động ứng phó trong mọi điều kiện.

Sáng 25.8, sau khi đi thăm một doanh nghiệp (DN) “3 tại chỗ” trong KCN Biên Hòa 2, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch.

Dân ở nhà và công an ra đường

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết trên địa bàn hiện có gần 44.000 DN với 1,2 triệu lao động. Trong đó, lao động đang làm việc tại 1.881 DN trong khu công nghiệp (KCN) là 610.000 người. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn. Từ đợt dịch thứ 4 đến nay, đã có 184 DN giải thể và 257 DN tạm dừng hoạt động. Các DN đang gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị T.Ư sớm phân bổ vắc xin để tiêm cho công nhân

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ”, đã có 70 DN với 10.455 lao động ngừng hoạt động; 256 DN giảm lao động với 6.574 CN. Hiện Đồng Nai có 3 công ty có số lượng CN đông nhất phải tạm thời cho nghỉ việc gồm: Công ty TNHH giày Pouchen với 17.000 CN, Công ty Taekwang Vina với gần 14.000 CN; Công ty Changshin VN với 42.000 CN.
Về giải pháp, ông Cao Tiến Dũng cho biết Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản bám sát chỉ đạo của T.Ư và diễn biến thực tế dịch bệnh tại địa phương. Đồng Nai đã thực hiện Chỉ thị 16+ từ ngày 9.7 cùng lúc với TP.HCM. Khẩu hiệu xuyên suốt của Đồng Nai là “Dân ở nhà và công an ra đường". "Công an có quyền hỏi bất cứ ai, không có tình trạng chặt ngoài, lỏng trong", ông Dũng nói.
Đồng Nai cũng đã phân vùng xanh đến từng khu phố, ấp. Hiện tỉnh đang triển khai tổng xét nghiệm 3 vòng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Riêng vòng 3 chủ yếu xét nghiệm PCR để xử lý dứt điểm F0, phủ kín vùng xanh và đưa cuộc sống trở lại tình trạng bình thường mới.
Về điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, ông Cao Tiến Dũng cho biết Bộ Y tế đã quan tâm lập ngay một bệnh viện T.Ư trên địa bàn, với 400 giường ICU. Các bệnh viện lớn của tỉnh và khu vực cũng đã sắp xếp đủ khu điều trị F0 nặng và phân thành 3 tầng. Đồng Nai xác định mục tiêu “Không để dân thiếu đói và người bệnh không thiếu ô xy”.
Khó khăn lớn nhất hiện nay của Đồng Nai, theo ông Dũng là việc triển khai phương án “3 tại chỗ”. DN phải chi nhiều chi phí để duy trì được sản xuất. Lây nhiễm chéo trong các DN còn nhiều; việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn; khả năng tiếp cận vắc xin còn hạn chế khi mới chỉ có 800.000 liều trên tổng số 2,2 triệu người cần tiêm.

Chưa có chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1, có được tiêm mũi 2?

Chính phủ sẽ có chính sách riêng cho các địa phương tâm dịch

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết qua nắm tình hình tại Đồng Nai cho thấy dịch Covid-19 ở địa phương đang có xu hướng giảm, đó là tín hiệu đáng mừng. Phó thủ tướng đánh giá cao Đồng Nai đang chống dịch đúng hướng. Trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng tỉnh vẫn duy trì được 20% số DN sản xuất “3 tại chỗ”. Có hơn 200.000 công nhân vẫn đang tiếp tục làm việc. Việc cung ứng, lưu thông hàng hóa tiếp tục được duy trì.

Các thành viên tham dự cuộc họp

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý Đồng Nai cần xây dựng kịch bản cho tình huống xấu hơn. “Hiện tại Đồng Nai có khoảng 20.000 ca nhưng nếu số ca lên gấp đôi, gấp 3 thì ứng phó như thế nào, trang thiết bị y tế, máy thở, ô xy và bệnh viện dã chiến có đủ không? Kịch bản bao nhiêu thì Thường vụ Tỉnh ủy họp bàn, đề xuất trên cơ sở đó chủ động mua sắm thiết bị, xây dựng thêm bệnh viện dã chiến?”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng yêu cầu Đồng Nai tập trung các giải pháp về an sinh xã hội, bảo đảm thiết bị y tế cho khu vực điều trị F0. Đặc biệt là quan tâm đến vấn đề sản xuất an toàn của các DN “3 tại chỗ”.
Phó thủ tướng lưu ý Đồng Nai cần sớm tiến hành xây dựng các quy định, tiêu chuẩn để phục hồi sản xuất sau đại dịch. Tất cả các DN quay lại sản xuất phải đảm bảo các tiêu chuẩn y tế nghiêm ngặt nhất. Đồng thời, thực hiện tốt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, kiểm soát chặt vùng đỏ, khu vực phong tỏa, hoạt động của các chợ đầu mối...
“Muốn dập dịch hiệu quả thì phải có tiền. Đồng Nai cần chủ động trước, cắt giảm những khoản đầu tư không cần thiết khác để ưu tiên cho chống dịch. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ tính sau. Đồng Nai có đủ thẩm quyền, đủ nguồn lực để quyết tâm chống dịch thành công”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ riêng cho 19 tỉnh, thành phía nam bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Dán Salonpas, uống nước nóng có “diệt” được virus Covid-19? | BÁC SĨ ƠI số 10

"Để dân đói thì không xứng đáng làm lãnh đạo"

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh (phải) phát biểu tại buổi làm việc

Đức Nguyễn

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp. Ông Lĩnh cho rằng nếu để quá tải F0 trong một không gian chật hẹp, thiếu đội ngũ, thiếu thiết bị y tế là vỡ trận. Ông cho biết Đồng Nai hạ quyết tâm sớm chặn đứng dịch bệnh và quan tâm đặc biệt đến vấn đề an sinh xã hội. “Chúng tôi nỗ lực không để người dân thiếu đói là cam kết sinh mệnh chính trị của lãnh đạo tỉnh trước nhân dân, đó là cam kết bằng cả tấm lòng. Chúng ta nói trước nhân dân là không để cho dân đói, trong khi nguồn lực chúng ta có mà không làm được thì không xứng đáng làm lãnh đạo”, ông Lĩnh cương quyết. Theo ông Lĩnh, vấn đề quan trọng là phương pháp và cách làm. "Chỉ có an sinh tốt thì an ninh trật tự mới tốt, an ninh trật tự tốt thì công cuộc chống dịch mới thành công”, ông Lĩnh nói và đề nghị T.Ư quan tâm hơn nữa tới Đồng Nai, giúp tỉnh sớm khống chế thành công dịch bệnh, sớm phục hồi sản xuất và tiếp tục là địa phương top đầu trong việc tạo nguồn lực cho quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.