Phó thủ tướng lý giải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, rượu bia

27/11/2024 18:08 GMT+7

Đánh thuế với nước giải khát có đường và việc tăng thuế đối với thuốc lá, rượu bia là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, tại phiên thảo luận về luật Thuế tiêu thụ đặc biệt chiều nay.

Đường ở thể lỏng hấp thụ nhanh, gây ra béo phì

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đề nghị cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường với hàm lượng trên 5mg/100ml. Lý do là việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường có thể sẽ không làm người tiêu dùng từ bỏ tiêu thụ nước giải khát có đường, mà chỉ làm cho họ chuyển từ sản phẩm phải nộp thuế sang các đồ uống đường phố không bị ảnh hưởng bởi thuế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phó thủ tướng lý giải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, rượu bia- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đề nghị cân nhắc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

ẢNH: GIA HÂN

Đại biểu Bến Tre cũng lo lắng, nếu lấy hàm lượng đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) để làm cơ sở áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể dẫn đến vướng mắc đối với các sản phẩm nước trái cây tự nhiên hay các sản phẩm nhập nhập khẩu không được sản xuất theo TCVN song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Cụ thể như nước dừa đóng hộp.

"Nếu áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với nước dừa không chỉ ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp chế biến dừa đang kiệt quệ sau Covid-19 của tỉnh Bến Tre, mà còn ảnh hưởng đến hơn 200.000 nông dân trồng dừa vì không tiêu thụ được trái dừa, nguy cơ phải đốn dừa trồng cây khác", bà Thủy lo lắng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị xem xét việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường theo lộ trình để doanh nghiệp có tâm thế chuẩn bị. Việc làm này nên được nghiên cứu trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh…

Cùng đó, ông Hòa cho rằng, "đường không có lỗi" mà vấn đề ở việc sử dụng. "Tại sao đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường mà bánh, kẹo lại không đánh thuế", đại biểu Hòa nêu quan điểm.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo luật đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Tiêu chuẩn này sẽ do Chính phủ quy định. Do đó, khi ban hành nghị định hướng dẫn, Chính phủ sẽ quy định loại nước giải khát có đường nào không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Phó thủ tướng lý giải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, rượu bia- Ảnh 2.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên thảo luận

ẢNH: GIA HÂN

"Ví dụ đại biểu lo nước dừa, sữa, sản phẩm từ sữa, sản phẩm lỏng có lợi cho dinh dưỡng, nước hoa quả nguyên chất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Phớc nêu rõ; đồng thời cho biết, Chính phủ đề xuất đánh thuế nước giải khát mà không đánh thuế với đường ở thể rắn là vì theo các nghiên cứu, đường ở dạng lỏng hấp thụ nhanh, gây ra các bệnh như béo phì.

Phó thủ tướng lý giải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, rượu bia

Tốn khoảng 1 tỉ USD để chữa bệnh liên quan tới thuốc lá

Một vấn đề cũng gây tranh luận là việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá và rượu, bia. Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đồng ý việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xa xỉ, nhằm định hướng tiêu dùng, song yêu cầu phải đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. "Nếu tăng thuế gấp, tăng sốc quá sẽ tác động ngay tới doanh nghiệp và môi trường kinh doanh", đại biểu Đồng Nai nhìn nhận.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cũng đề nghị tính toán kỹ mức tăng và lộ trình tăng, nhằm đảm bảo phù hợp, tính hiệu quả của chính sách và đạt được mục tiêu đề ra. Ông Cường lo lắng việc tăng thuế quá cao và nhanh chóng sẽ dẫn đến gia tăng buôn lậu thuốc lá, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và không đạt được mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng.

Phó thủ tướng lý giải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, rượu bia- Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị lùi thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia tới năm 2027 và không tăng theo lộ trình "nhỏ giọt" mỗi năm 5% như đề xuất của Chính phủ

ẢNH: GIA HÂN

Ngược lại, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cho rằng, những lo lắng của các đại biểu về thuốc lá nhập lậu, hay tác động tới doanh nghiệp so với những đe dọa khôn lường từ thuốc lá điếu gây ra là "không đáng kể".

Về thuế với rượu bia, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) góp ý, Chính phủ đề xuất từ năm 2026 - 2030 mỗi năm tăng "nhỏ giọt" thêm 5% đối với rượu bia có thể khiến người tiêu dùng quen dần với việc tăng thuế và mục tiêu điều chỉnh hành vi sẽ không đạt được.

Ông Cường đề nghị lùi thời điểm tăng thuế tới sau năm 2026, bắt đầu tăng từ năm 2027 nhưng tăng với mức 10% và sau đó 5 năm mới tiếp tục tăng một lần nữa. Điều này, theo ông sẽ tạo khoảng thời gian để tuyên truyền vận động người tiêu dùng, đồng thời giúp doanh nghiệp chuyển đổi sản phẩm, đảm bảo định hướng phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Giải trình vấn đề này, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nói thuốc lá tác hại vô cùng lớn, mỗi năm có tới 40.000 người tử vong, ngân sách tiêu tốn khoảng 1 tỉ USD để chữa bệnh liên quan tới thuốc lá. Cạnh đó, theo ông Phớc, giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, và mức thuế bình quân chỉ khoảng 7.000 đồng/bao. Trong khi đó, tại Singapore thì khoảng 200.000 đồng thuế mỗi bao. Do đó, việc tăng thuế với thuốc lá là cần thiết.

Về đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia theo nồng độ cồn, ông Phớc nói 2 sản phẩm này không thay thế cho nhau và việc đánh thuế dựa trên mục tiêu điều chỉnh hành vi tiêu dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.