Phó thủ tướng nói về những 'nhân tai' gây ra sạt lở, lũ lụt miền Trung

06/11/2020 18:12 GMT+7

Đại biểu Quốc hội chất vấn Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng việc sạt lở, mưa lũ ở miền Trung là thiên tai hay nhân tai. Phó thủ tướng đã dành thời gian phân tích những nguyên nhân chủ quan do con người.

"Lũ lụt, sạt lở ở miền Trung là thiên tai hay nhân tai?"

Tại phiên chất vấn buổi sáng 6.11, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, mấy ngày qua, ngay tại nghị trường này có cách nhìn khác nhau về nguyên nhân của lũ lụt và sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung gần đây.
“Đề nghị Phó thủ tướng cho biết thực chất nguyên nhân của sạt lở, lũ lụt ở miền Trung vừa qua là thiên tai hay là do nhân tai? Giải pháp của Chính phủ như thế nào để bảo đảm sự an toàn cho nhân dân?”, đại biểu Cà Mau chất vấn.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói về những nhân tai gây ra sạt lở, lũ lụt miền Trung

Giải trình vào cuối giờ chiều, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định nguyên nhân gây ra sạt lở, lũ lụt ở miền Trung vừa qua các đại biểu Quốc hội cũng đã phân tích, các bộ trưởng cũng đã trả lời, song ông quan tâm hơn đến nguyên nhân chủ quan do con người.
Nguyên nhân đầu tiên, theo ông Dũng, là mất rừng và chất lượng rừng thấp.  
Ông Dũng khẳng định, rừng Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng khi năm 1945, độ che phủ rừng Việt Nam khoảng 43%, đến 1995 giảm xuống chỉ còn 28% nhưng đến nay đã trên 41%, đứng thứ 50/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, song thừa nhận chất lượng rừng còn thấp do thời gian dài rừng tự nhiên bị phá để phát triển kinh tế. "Rừng mới, chất lượng rừng không cao", ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp, phát triển kinh tế vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, đặc biệt là tình trạng phá rừng lấy gỗ, xây nhà.
Việc trồng rừng thay thế tại các dự án lấy đất rừng cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. “Từ đó ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là nhân tố gây sạt lở đất khi có mưa lũ”, ông Dũng nói.
Nguyên nhân nữa, là việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như công trình giao thông, đường dây tải điện, hệ thống đường ống... đã làm thay đổi địa hình, tác động tới ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất.
Cạnh đó, việc xây dựng các công trình nhà ở, các công trình bệnh viện, trường học, công sở, các điểm dân cư tự phát tại khu vực miền núi thiếu nghiên cứu yếu tố địa chất cũng là nhân tố tác động làm sạt lở đất đá trong mùa mưa lũ.

Tan hoang ở ngôi làng bị lũ kinh hoàng “xóa sổ” chỉ sau 2 phút

"Xây dựng hồ đập thủy điện tác động tiêu cực đến môi trường"

Ông Dũng cũng khẳng định, việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, cho đến khâu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, sẽ tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn vùng hạ du.
Nói thêm về thủy điện, Phó thủ tướng cho biết, trong những năm qua các hồ, đập thủy lợi, thủy điện có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước nước, đáp ứng nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; góp phần cắt lũ, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau)

Ảnh Gia Hân

"Các hồ thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ cũng tham gia cắt lũ, trừ trường hợp lũ lớn phải xả lũ và thường xả tối đa bằng với lưu lượng lũ về hồ", ông Dũng thông tin.
Ngoài ra, ông Dũng còn cho rằng, hồ, đập thủy điện có tác đụng điều tiết nước cho mùa cạn; tạo ra nguồn điện lớn, sạch, giá rẻ (30% tổng công suất nguồn điện cả nước). 
"Các công trình thủy lợi, thủy điện có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước", ông Dũng khẳng định. 
Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, "xây dựng công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện cũng có tác động tiêu cực đến môi trường".
"Các công trình hồ thủy lợi, thủy điện đa số đều xây dựng ở khu vực trung du, miền núi nên sẽ ảnh hưởng đến diện tích rừng. Đồng thời, việc xây dựng các công trình còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất", ông Dũng nói.
Trước đó, trên nghị trường, vấn đề mối quan hệ giữa mất rừng, xây dựng các hồ đập thủy điện với lũ lụt, sạt lở ở miền Trung vừa qua là câu chuyện được nhiều đại biểu quan tâm và chất vấn, tranh luận với các Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà.

Phụ nữ, trẻ em cõng hàng cứu trợ trèo núi dựng đứng vì 3.000 người bị cô lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.