Chỉ thuận cho quản lý, còn thiệt cho người bệnh
Sáng 10.10, tiếp tục phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều 4 luật: Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Đấu thầu.
Tại tờ trình dự án luật, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm của Chính phủ là tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật có mâu thuẫn, đang gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Với luật Đấu thầu, Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp (không qua đấu thầu) đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đáp ứng chất lượng và yêu cầu phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, dự thảo luật quy định, đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trường hợp áp dụng mua sắm trực tiếp, chủ đầu tư được áp dụng nhiều lần đối với một hoặc nhiều loại thuốc.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, cơ quan thẩm tra cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, bảo đảm nguồn cung về thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, thuận tiện cho người bệnh trong việc mua thuốc đảm bảo chất lượng tại các cơ sở y tế công lập là cần thiết.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và bảo đảm hiệu quả kinh tế khi đề xuất áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần và cần có ý kiến cụ thể của Bộ Y tế về nội dung này.
Ông Thanh cũng phản ánh, có ý kiến cho rằng, quá trình sửa đổi luật Đấu thầu từ năm 2022, cơ quan thẩm tra của Quốc hội (Ủy ban Tài chính - Ngân sách) đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo (Bộ KH-ĐT) lấy ý kiến Bộ Y tế nhiều lần để bảo đảm quy định tại các điều, khoản liên quan đến đấu thầu mua sắm thuốc bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.
"Ý kiến này cho rằng, thực tế triển khai, Bộ Y tế cho rằng không có vướng mắc về đấu thầu. Việc sửa quy định này chỉ thuận cho lãnh đạo quản lý, còn thiệt cho người bệnh và cơ bản không đáp ứng mục tiêu của đấu thầu. Vì vậy, đề nghị không sửa đổi quy định", ông Thanh thông tin.
"Lâu nay hàm lượng hỗ trợ, kiến tạo hơi bị nhẹ hơn"
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tiếp tục rà soát để tháo gỡ những gì thực sự đang vướng, bức xúc và tháo một cái có thể gỡ được nhiều. Đồng thời, mở ra những thứ mới hơn, tốt hơn, nhanh hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Nhắc lại ý kiến của cơ quan thẩm tra với vấn đề sửa quy định liên quan đấu thầu thuốc, ông Định đề nghị tránh tình trạng sửa đổi giúp quản lý nhà nước thuận lợi hơn nhưng lại khó khăn, thiệt cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng đó, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị việc sửa đổi lần này nhằm tháo gỡ khó khăn nhưng không hợp pháp hóa các sai phạm trước đây. "Có rất nhiều vấn đề trong lịch sử để lại khi chưa có luật, bây giờ làm văn bản tháo gỡ, nhưng không hợp pháp hóa sai phạm. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, tránh sửa chỗ này lại khó chỗ khác, đề phòng rủi ro pháp lý...", ông Định lưu ý.
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh việc xây dựng pháp luật, hành lang pháp lý không chỉ để quản lý mà còn để kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
"Lâu nay, hàm lượng hỗ trợ, kiến tạo trong pháp luật cũng hơi bị nhẹ hơn so với yêu cầu quản lý. Do đó, chúng ta làm một hồi thì thắt nghẹt hết tất cả. Giờ tư duy mới, Quốc hội đồng hành với Chính phủ về quan điểm này để tháo gỡ khó khăn thực tiễn", ông nói.
Ông Bình dẫn ví dụ, việc tách dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư là yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có Khánh Hòa triển khai thí điểm, nếu yêu cầu phải đánh giá thì chỉ một địa phương sẽ không điển hình cho cả nước.
"Họp T.Ư tất cả bí thư đều nói câu chuyện phải tách dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ra thành dự án độc lập", ông Bình nói, nhấn mạnh, Chính phủ đặt ra vấn đề để mở đường cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhiều dự án khác.
"Nếu chúng ta không tách thu hồi đất ra thì dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam rất khó khăn. Làm xong đoạn đầu Hà Nội - Vinh, hay Nha Trang - TP.HCM thì đoạn ở giữa nó nằm trong quy hoạch nó lên ào ào", ông Bình nêu.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh việc "Chính phủ đang đổi mới tư duy làm luật". Trước chỉ quản lý, hiện chuyển sang kiến tạo cho phát triển; tăng phân cấp, phân quyền mạnh, dựa trên cơ chế kiểm tra giám sát, tăng trách nhiệm người đứng đầu và tập trung vào vấn đề cốt lõi, quan trọng.
Với vấn đề mua thuốc trực tiếp không qua đấu thầu để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên bệnh viện và được áp dụng nhiều lần, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, đề xuất này xuất phát từ thực tế của bệnh viện và đây cũng là đề xuất của Bộ Y tế.
Bình luận (0)