Phó thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét chủ trương đầu tư cao tốc Nha Trang-Đà Lạt

04/09/2024 17:15 GMT+7

Hai tỉnh Khánh HòaLâm Đồng báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà các phương án dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt để xem xét chủ trương đầu tư.

Chiều 4.9, tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các bộ ngành liên quan có buổi làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa để nghe báo cáo các phương án thiết kế dự án tuyến cao tốc đường bộ Nha Trang - Đà Lạt.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét chủ trương đầu tư cao tốc Nha Trang-Đà Lạt- Ảnh 1.

Các phương án thiết kế dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt

ẢNH: LÂM VIÊN

Ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, báo cáo khái quát về 3 phương án thiết kế dự án tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt. Theo đó, phương án 1 có tổng chiều dài 80,8km, được ưu tiên lựa chọn.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét chủ trương đầu tư cao tốc Nha Trang-Đà Lạt- Ảnh 2.

Ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa báo các phương án thiết kế dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt

ẢNH: LÂM VIÊN

Dự án tuyến cao tốc đường bộ Nha Trang (Khánh Hòa) đi Đà Lạt (Lâm Đồng) có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông xã Diên Thọ, H.Diên Khánh (Khánh Hòa) và điểm cuối tại ngã ba Đarahoa, P.12, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), kết nối 2 thành phố Nha Trang và Đà Lạt. Khi hoàn thành sẽ khắc phục những tồn tại của quốc lộ 27C, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển du lịch và kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Theo đó, dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có tổng chiều dài 80,8km, quy mô 4 làn xe. Đoạn qua tỉnh Khánh Hòa khoảng 44km, đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng khoảng 36,8km; trên tuyến có 2 đường hầm xuyên núi, dự kiến bố trí 5 nút giao khác, trung bình 20km/nút.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét chủ trương đầu tư cao tốc Nha Trang-Đà Lạt- Ảnh 3.

Dự án đầu tư tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt

ẢNH: LÂM VIÊN

Dự án đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - chuyển giao). Sơ bộ tổng mức đầu từ khoảng 25.000 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 1.171 tỉ đồng. Cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án 17.540 tỉ đồng (chiếm 70%). Trong đó 2 tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng thống nhất chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh tham gia phần vốn ngân sách nhà nước. Vốn nhà đầu tư huy động 7.517 tỉ đồng (chiếm 30%).

Thời gian thực hiện từ năm 2024-2028; trong đó năm 2024-2025 giai đoạn chuẩn bị đầu tư, từ 2026-2028 giai đoạn đầu tư xây dựng. Hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ quan tâm cho phép triển khai đầu tư xây dựng dự án trước năm 2030.

Sau khi nghe các bộ, ngành liên quan có ý kiến về dự án, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị 2 tỉnh cần xem xét dự án liên quan đến đất rừng, vườn quốc gia, rừng phòng hộ bị tác động thế nào để có kiến nghị giải quyết.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà xem xét chủ trương đầu tư cao tốc Nha Trang-Đà Lạt- Ảnh 4.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi họp giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng

ẢNH: LÂM VIÊN

Phó thủ tướng ghi nhận 2 tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng và Tập đoàn Sơn Hải đã phối hợp nghiên cứu thiết kế dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt. Đây là giai đoạn chuẩn bị đầu tư, do đó Bộ GTVT cần có sự quan tâm, phối hợp với 2 tỉnh và tập đoàn Sơn Hải để đưa ra giải pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ khi thực hiện. Bộ GTVT cần tham gia nghiên cứu hướng tuyến tối ưu nhất cho tuyến cao tốc này. Về mặt kỹ thuật phải tính toán rất cụ thể, bình đồ như thế nào, giải quyết chênh lệch độ cao thế nào.

Phó thủ tướng lưu ý, dự án phải có sự chuẩn bị thật tốt; Bộ GTVT tiếp nhận thẩm định để trình Thủ tướng trước khi trình Quốc Hội. Cần có bài toán dự báo hiệu quả kinh tế, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại một cách cụ thể hơn, rõ ràng hơn.

Phó thủ tướng thống nhất giao tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư và tìm nguồn vốn đầu tư; đồng thời lưu ý nên tập trung thực hiện công trình nào trước, không dàn trải; cần tính toán thời gian thực hiện dự án trong 2 hay 3 năm để mang lại hiệu quả của việc đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.