Đây là một trong những nội dung Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh khi nói về 2 chữ "tử tế" trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ TT-TT, tổ chức ngày 29.12.
Không để khoảng cách của Việt Nam và thế giới quá xa
Theo Phó thủ tướng, trong năm 2023, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trên mặt trận ngoại giao, nông nghiệp và đặc biệt là chuyển đổi số. Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số có đóng góp rất lớn của Bộ TT-TT và các đơn vị trực thuộc.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, chuyển đổi số vừa là mục tiêu vừa là động lực, là cứu cánh của Việt Nam trong câu chuyện cải cách hành chính. Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam chỉ có thể "đi tắt đón đầu" bằng khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số. "Thế giới chuyển đổi nhanh lắm, trách nhiệm của Bộ TT-TT là không để khoảng cách của Việt Nam và thế giới quá xa. Chúng ta phải thường xuyên cập nhật, chậm một bước là người ta đi trước mình một khoảng khá xa. Qua báo cáo của Bộ TT-TT, tốc độ tăng trưởng kinh tế số năm nay gấp 3 lần GDP, ít nhất năm 2024 phải tăng hơn năm nay một chút, nếu được phải tăng cao hơn nữa", Phó thủ tướng nói.
Trong lĩnh vực quản lý truyền thông, xuất bản, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, Bộ TT-TT phải ứng xử rất nhanh. Khi có một thông tin không đúng, phải can thiệp với nhà mạng ngay lập tức vì nếu nhân bản ra nhanh tác hại là khôn lường, dù áp lực 24/7 hay 1 giờ sáng cũng vẫn phải làm.
Trong việc thực hiện cái mới, Phó thủ tướng gợi mở có 3 cách, đó là: tạo ra hứng khởi, tạo ra sự thú vị cho mọi người làm theo; thứ hai là vận động thuyết phục; thứ ba là ép mọi người phải làm theo bằng quy định. Câu chuyện chuyển đổi số, Chính phủ số đang làm theo phương thức này. Làm như thế nào, lúc nào phải thuyết phục, lúc nào vận động, tạo cảm hứng, lúc nào phải ép…, theo Phó thủ tướng, đây là việc của Bộ TT-TT.
Cần lắm một cơ chế đặc thù cho lĩnh vực đặc biệt
Liên quan đến thể chế, Phó thủ tướng cho hay, một trong những đột phá chiến lược là thể chế. Rào cản lớn nhất hiện nay cũng là thể chế, cái mà chúng ta đang sợ hiện nay cũng là thể chế. Ngoài xây dựng luật, thông tư, nghị định, sửa quy định cũ không hợp lý, nếu đã làm nhanh, kịp thời thì phải hết sức chuẩn mực.
Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Đây là một lĩnh vực hết sức đặc biệt nên cần lắm một cơ chế đặc thù cho đặc biệt. Nếu không có cơ chế đặc thù, cho đặc biệt thì không thể giải quyết được vấn đề".
Dẫn lại Nghị định 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ quan báo chí, Phó thủ tướng nêu vấn đề, nếu coi cơ quan báo chí như là một doanh nghiệp cạnh tranh bình thường, sòng phẳng thì phần nhiệm vụ chính trị giao nằm ở đâu? "Tôi mong lắm các đồng chí có chính sách cơ chế đặc biệt. Nếu không có cơ chế chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu cuối cùng", Phó thủ tướng nói.
Đối với quản lý báo chí, Phó thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan và từng bước chấm dứt chuyện "đánh đấm" của báo chí. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng cạnh tranh, người làm báo có thể sống được với nghề và trụ lại được. Với sức ép của truyền thông đa phương tiện như bây giờ, báo chí, báo giấy muốn tồn tại hoàn toàn không đơn giản. Trước hết, phải thực hiện giai đoạn 2 của đề án sắp xếp lại các cơ quan báo chí sẽ kết thúc vào năm 2025.
Trước khi kết thúc bài phát biểu, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhắc đến 2 chữ "tử tế".
Phó thủ tướng cho biết, khái niệm tử tế ở đây, đầu tiên là tử tế với công việc, nghiêm túc, tận tâm, nỗ lực cố gắng trong công việc. Thứ hai, tử tế với các đối tượng quản lý của mình, có sự chia sẻ hỗ trợ giúp đỡ; thứ ba là tử tế với với các đối tác, các bộ, ngành, địa phương. Và đặc biệt là tử tế với các đồng chí, đồng nghiệp, tử tế với những người thuộc quyền, để mọi người cùng có trách nhiệm, chia sẻ rủi ro, chia sẻ lợi ích.
Điều cuối cùng, Phó thủ tướng nhấn mạnh phải tử tế với pháp luật. "Trong khi pháp luật với nhiều nhận xét còn có thể có sự chồng chéo, bất cập, thậm chí xung đột nếu các đồng chí không tử tế với pháp luật thì pháp luật sẽ ứng xử hoàn toàn không tử tế. Chúng ta phải thượng tôn pháp luật, tử tế với pháp luật để nhận lại sự tử tế từ đó", Phó thủ tướng nói.
Bình luận (0)