Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải nắm bắt 'thời điểm vàng' phòng chống bão số 5

17/09/2020 17:28 GMT+7

Chiều 17.9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết ngay lúc này là 'thời điểm vàng' để thực hiện công tác phòng chống bão số 5.

 
Chiều 17.9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đến thị sát công tác chống bão số 5 ở Quảng Trị. Phó thủ tướng trực tiếp ra khu neo đậu tránh trú bão Triệu An (H.Triệu Phong), địa điểm này hiện đang tập kết gần 400 tàu cá trong và ngoài tỉnh Quảng Trị vào neo đậu.

Bão số 5 giật cấp 12: Học sinh trên toàn tỉnh Quảng Trị nghỉ học ngày 18.9

Tiếp tục quyết liệt đưa tàu thuyền vào bờ

Lực lượng biên phòng Quảng Trị tích cực vận động ngư dân Cửa Việt chấp hành việc neo đậu tránh trú bão số 5

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Qua nghe báo cáo nhanh của ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tại hiện trường, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh ngay lúc này là “thời điểm vàng” để chính quyền địa phương, ngành chức năng, lực lượng vũ trang và nhân dân... thực hiện các biện pháp để ứng phó với bão số 5, cơn bão có sức gió giật cấp 12.

Ngư dân lên bờ sau khi đã neo đậu tàu thuyền an toàn

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Dù đánh giá cao công tác chuẩn bị chống bão của tỉnh Quảng Trị nhưng Phó thủ tướng tiếp tục yêu cầu địa phương này chỉ đạo việc đưa tàu thuyền khẩn trương vào bờ quyết liệt hơn nữa.

Bão số 5 đến, người dân đảo Cồn Cỏ chạy đi đâu?

Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải đảm bảo các phương án di dân, lo ăn ở cho người dân và lo cho các hồ đập xung yếu.

Một số người dân đã được vận động lên trú ẩn tại Nhà khách Thanh Niên (TT.Cửa Việt, H.Gio Linh, Quảng Trị) để chống bão số 5

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Cũng trong chiều 17.9, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Quảng Trị có chuyến khảo sát tại khu vực Nhà nghỉ Thanh Niên (TT.Cửa Việt, H.Gio Linh), nơi dự kiến sẽ tổ chức đưa dân đến trú bão. Theo thông tin từ ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thì trước 20 giờ đêm 17.9, tỉnh Quảng Trị phải sơ tán 90.000 dân để đảm bảo an toàn trước cơn bão số 5.

Cảnh giác với hậu cơn bão, hoàn lưu bão

Trước đó, trưa 17.9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác cũng đã kiểm tra công tác ứng phó bão số 5 tại Thừa Thiên - Huế.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra tại cảng cá Thuận An, kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền của ngư dân tại các âu thuyền xã Phú Thuận, âu thuyền Phú Hải...

Ngư dân Thừa Thiên - Huế gằng neo tàu thuyền chống bão

Ảnh: Bùi Ngọc Long

Phó thủ tướng yêu cầu Thừa Thiên - Huế khẩn trương rà soát tất cả tàu thuyền còn hoạt động trên biển, có biện pháp kêu gọi, hướng dẫn để ngư dân nhanh chóng vào nơi tránh trú an toàn.
Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế phải đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó triển khai sơ tán các hộ dân ở những khu vực trọng điểm, xung yếu được dự báo ảnh hưởng.
"Phải chú ý bão gây mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống nên chúng ta cần tập trung rà soát lại các khu dân cư miền núi. Thừa Thiên - Huế có diện tích 5.000 km2, trong đó khu vực miền núi chiếm phần lớn nên phải rà soát nhà nào ở khu vực xung yếu, dễ bị ảnh hưởng thì cho sơ tán ngay. Mưa bão xảy ra thì thiệt hại trực tiếp cơn bão thường ít hơn so với thiệt hại hậu cơn bão, hoàn lưu của bão", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Ngư dân Thừa Thiên - Huế hối hả mua bán cá để giải phóng tàu tránh trú bão tại cảng cá Thuận An

Ảnh: Bùi Ngọc Long

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh có 659 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, đến trưa 17.9, còn 38 tàu thuyền cùng 330 người lao động đang tiếp tục vào bờ tránh bão.

Ngư dân Thừa Thiên - Huế hối hả “giải phóng” cá để đi trú bão số 5

Sơ tán 28.128 hộ dân đến nơi an toàn

Trưa cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công văn hỏa tốc chỉ đạo Sở GD-ĐT, các huyện, thị xã và TP.Huế cho học sinh nghỉ học ngày 18 và 19.9 để chủ động ứng phó, phòng tránh thiệt hại do bão số 5, có thể đổ bộ vào tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Lực lượng công an giúp đỡ ngư dân xã Phú Thuận (H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) neo đậu tàu thuyền tránh bão

Ảnh: Bùi Ngọc Long

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các trường học có kế hoạch, biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất nhà trường, chủ động ứng phó khi mưa bão xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người. Đặc biệt, nhắc nhở học sinh không được đến những nơi có vùng nước sâu, dễ gây sạt lở, không tụ tập bạn bè ra ngoài trong thời điểm mưa bão, không đến các khu vực sông, suối, hồ, nơi có vùng nước nguy hiểm phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh căn cứ tình hình diễn biến của cơn bão số 5 để quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã lên kế hoạch di dời, sơ tán 28.128 hộ với 106.612 khẩu ở các vùng xung yếu, các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước 19 giờ ngày 17.9 để phòng tránh khi bão số 5 đổ bộ.

Cận cảnh người dân TP.Đà Nẵng đối phó với bão số 5 giật cấp 12

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.