Chiều 5.9, tại trụ sở Bộ NN-PTNT, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với siêu bão số 3 (siêu bão Yagi). Đây được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Sáng nay, bão đã mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành: Hà Giang, Cao Bằng, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đều có những phương án chủ động phòng, chống trước khi siêu bão số 3 đổ bộ.
Bộ GTVT cân nhắc thời điểm cấm bay
Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết tùy thuộc vào diễn biến của siêu bão số 3, ngành giao thông sẽ có phương án cụ thể về chằng, buộc, gia cố tại các công trình đang thi công. Cạnh đó, đã lên phương án ứng phó sau khi bão tan.
Với lĩnh vực hàng hải, Thứ trưởng Sang cho hay, Cục trưởng Cục Hàng hải vừa đi kiểm tra một loạt các tỉnh ven biển khu vực phía bắc, nhằm phối hợp với địa phương lên kịch bản cấm biển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Ứng phó siêu bão số 3 với tinh thần không hối tiếc
Ông Sang đặc biệt lưu tâm đến ngành hàng không nên sẽ cân nhắc kỹ thời điểm cấm bay, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, cũng như kịp thời nối tuyến ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.
Trong khi đó, trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các địa phương thông tin, tuyên truyền cho khách du lịch khẩn trương di chuyển về nơi an toàn. Liên tục thông tin, động viên chủ tàu thuyền đưa phương tiện và người trở về bờ; sơ tán toàn bộ người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sau 10 năm, đồng bằng sông Hồng lại đón một cơn bão lớn. Đường đi của bão ổn định, dự báo của các cơ quan chức năng đều trùng khớp về cường độ, mức độ cảnh báo rủi ro. Đặc biệt, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lại là khu trung tâm của kinh tế, công nghiệp… Vì vậy, Bộ trưởng Hoan đề nghị các cơ quan, đơn vị "cần phải hành động không hối tiếc".
Ông Hoan thông tin, ngày 6.9, bộ sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó siêu bão số 3 tại các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Hồng... Bộ sẽ cùng các địa phương chuẩn bị công tác ứng phó, nắm bắt để sẵn sàng đưa ra các chính sách hỗ trợ khi cần thiết.
Riêng với Quảng Ninh, vùng khai thác than có hầm lò nhiều, dễ bị tác động của bão, Bộ trưởng NN-PTNT đề nghị địa phương làm tất cả những việc có thể để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Ở kịch bản xấu hơn, bố trí đủ lực lượng cứu hộ, cứu nạn để nhanh chóng khắc phục hậu quả.
"Với cường độ gió mạnh như dự báo thì sức tàn phá của bão số 3 sẽ rất lớn. Do đó, phải đặt ra các kịch bản khác nhau, không chờ công điện chỉ đạo từ trên, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, chỉ đạo hoạt động sinh sống và sản xuất của người dân", ông Hoan nhấn mạnh.
Siêu bão số 3 (bão YAGI) mạnh cấp 16, sức gió giật trên cấp 17
Dự báo cụ thể hơn nữa để người dân phòng tránh
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, siêu bão số 3 là cơn bão rất mạnh, khó dự báo. Trên đường tiến vào Biển Đông, bão gặp những điều kiện thuận lợi để thành siêu bão.
Để phòng, chống hiệu quả hơn nữa, Phó thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác dự báo, nhất là việc thông tin đến người dân. Ông lấy ví dụ, cần làm cho người dân hiểu cấp 12 là mạnh như thế nào, cấp 15, cấp 16 sẽ ra sao, bão vào từ đêm mai, đêm mai là lúc nào? Không thể bó buộc dự báo chỉ bằng số liệu.
Theo Phó thủ tướng, cơ quan dự báo cần phối hợp, cung cấp thông tin cho báo chí bất cứ lúc nào, thời gian nào để truyền tải đến người dân, giúp người dân chủ động phòng ngừa.
"Chúng ta có nhiều kinh nghiệm vì năm nào cũng có mười mấy cơn bão. Phương châm của chúng ta là phải chủ động phòng ngừa, có thể phòng ngừa 10 chỉ xảy ra 1 lần nhưng nếu xảy 1 lần mà không phòng ngừa, ứng phó thì sẽ thiệt hại rất lớn. Ở đây phải làm một cách hết sức chặt chẽ, với tinh thần nghiêm khắc, không có hối tiếc", Phó thủ tướng nêu quan điểm.
Vẫn theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, không chỉ quan tâm đến sức mạnh của cơn bão mà còn cần quan tâm đến ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
"Vùng hoàn lưu sau bão rất lớn, sẽ gây ra mưa, đây là lúc nguy hiểm, bởi lúc đó chúng ta đã vất vả chống chọi, không còn sức tập trung nữa. Dự báo sau bão mưa rất lớn thì sẽ xảy ra lũ quét, lũ ống, ngập úng khu đô thị, trong đó có Hà Nội. Chính vì vậy, tôi đề nghị cơ quan khí tượng cập nhật thường xuyên bản đồ về dự báo lũ quét, sạt lở để các địa phương nắm được", Phó thủ tướng yêu cầu.
Bình luận (0)