Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần phát động phong trào: 'Để thầy cô vui'

16/11/2022 06:00 GMT+7

Phát biểu tại buổi gặp mặt các giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị cần phát động phong trào để thầy cô bớt khổ.

Ngày 15.11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi gặp mặt các giáo viên (GV) tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022. Tham gia buổi gặp mặt còn có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN.

Những thầy cô tâm huyết với nghề

Báo cáo tại buổi gặp mặt, ban tổ chức cho biết chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức, từ năm 2015 đến nay đã lựa chọn và tôn vinh hơn 400 thầy cô giáo là những GV “cắm bản”, GV công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo, GV mang quân hàm xanh, GV dạy học sinh (HS) khuyết tật, GV trực tiếp giảng dạy cho các HS là người dân tộc thiểu số, GV là người dân tộc thiểu số, GV có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và anh Nguyễn Ngọc Lương chụp ảnh giao lưu cùng các giáo viên tại buổi gặp mặt

Bảo Anh

Năm nay, ban tổ chức chương trình chia sẻ với 4 nhóm GV gồm: GV có thành tích nổi bật, có HS tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi HS giỏi cấp quốc gia, quốc tế...; các GV có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; GV đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các GV có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được xã hội ghi nhận.

”Cái chưa được” còn rất nhiều. Trong đó, có những loại tiêu chí phấn đấu, phong trào thi đua không cần thiết, làm khó, làm khổ GV và các trường, gián tiếp làm khổ HS. “Cần phát động phong trào để thầy cô bớt khổ”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Trong số 68 GV được tuyên dương năm nay, có 10 GV là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt có 2 GV đã đào tạo HS tham gia các cuộc thi quy mô quốc tế. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Văn, Trường THPT chuyên Bình Long, TX.Bình Long, Bình Phước và thầy giáo Lê Việt Hoàng, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội). Thầy Hoàng đã dẫn dắt đội tuyển vật lý của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên đạt 3 huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế (năm học 2021 - 2022), trong đó có 1 HS lớp 10 đạt huy chương vàng và cũng là HS lớp 10 đầu tiên của VN đạt được huy chương vàng của kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, nhiều thầy cô đã bày tỏ sự tâm huyết với nghề nghiệp và cũng nói thẳng, nói thật về những khó khăn của nhà giáo hiện nay. Theo các thầy cô thì bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy do ở những vùng sâu, vùng xa thì hiện nay nhiều GV phải đối mặt về áp lực thành tích, phong trào không thiết thực, khiến GV, HS và lãnh đạo nhà trường đều không cảm thấy hạnh phúc.

Làm sao để giáo viên vui ?

Sau khi lắng nghe ý kiến của các GV tại buổi gặp mặt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt, coi công tác giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng thuộc diện chính sách.

Phó thủ tướng lắng nghe chia sẻ của giáo viên tại buổi gặp mặt

Theo Phó thủ tướng, sự học quyết định vận mệnh, tương lai của từng người và của đất nước. Dân tộc nào giáo dục được chú ý sẽ phát triển tốt. Vì vậy, bằng mọi cách phải phát triển giáo dục. VN đã chú ý phát triển giáo dục hơn nhiều nước và những năm gần đây có tiến bộ, đổi mới.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, “cái chưa được” còn rất nhiều. Trong đó, có những loại tiêu chí phấn đấu, phong trào thi đua không cần thiết, làm khó, làm khổ GV và các trường, gián tiếp làm khổ HS. “Cần phát động phong trào để thầy cô bớt khổ”, Phó thủ tướng gợi ý.

Phó thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Thanh niên VN phối hợp với các bộ, ngành liên quan cần phát động phong trào, có thể chọn tên là: “Để thầy cô vui”, để tạo các diễn đàn góp ý và rà lại tiêu chí trực tiếp, gián tiếp gây áp lực cho nhà trường, thầy cô giáo.

Đồng thời Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh về việc cần tăng cường dạy làm người cho HS. Theo Phó thủ tướng, dạy đạo đức không chỉ dạy qua môn giáo dục công dân, qua các tấm gương hay chương trình ngoại khóa mà phải dạy thường xuyên cho HS thông qua 5 điều Bác Hồ dạy.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng cho rằng hiện giáo dục còn gặp nhiều khó khăn như: điều kiện vật chất để nuôi dạy HS vùng sâu vùng xa, lương GV còn thấp, nhất là GV mới ra trường ở vùng đô thị... Vì vậy, Phó thủ tướng mong muốn toàn xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm hơn đến giáo dục, có chính sách thiết thực để thầy cô bớt phần vất vả. Đồng thời các thầy cô cần kiên trì vượt qua khó khăn để làm tốt hơn nữa sự nghiệp trồng người. “Các thầy cô nắm trong tay số phận, tương lai của HS. Có nhiều trường hợp thầy cô không nỗ lực mà buông tay thì các em sẽ đi chệch hướng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Tại buổi gặp, anh Nguyễn Ngọc Lương bày tỏ sự vui mừng, xúc động và tự hào khi được Phó thủ tướng dành thời gian quan tâm, gặp gỡ, trao đổi và gợi ý để T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN có những hoạt động thiết thực đóng góp cho giáo dục. Cũng theo anh Lương, từ cuộc gặp mặt các thầy cô của chương trình năm trước, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội đã thực hiện chương trình “Điều ước cho em” nhằm xây trường học ở những vùng khó khăn và đã đạt được kết quả khả quan.

Anh Lương cho biết những trao đổi thẳng thắn, ý nghĩa của Phó thủ tướng và các ý kiến của GV tại cuộc gặp lần này, sẽ được tiếp thu và có giải pháp thực hiện, để chương trình của tổ chức Đoàn, Hội ngày càng có ý nghĩa thiết thực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.