Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung tố cáo và phản ánh của báo Thanh Niên liên quan đến vụ phá rừng đặc dụng Thần Sa, thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên.
Văn bản này cho biết ông Nguyễn Trường Thành, nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên, có đơn gửi Thủ tướng tố cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng buông lỏng quản lý, để doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng và xây dựng nhiều công trình trái phép trên hàng chục héc ta rừng đặc dụng; chiếm đường dân sinh để sử dụng riêng cho việc khai khoáng; các vi phạm nêu trên có sự bao che của chính quyền tỉnh Thái Nguyên; việc khai thác vàng sa khoáng trái phép và bán 3 cơ sở nhà đất tại trung tâm thành phố Thái Nguyên đã gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng.
Đồng thời, Báo Thanh Niên và một số báo khác cũng có bài phản ánh về thực trạng nêu trên. “Về việc này, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung tố cáo của ông Nguyễn Trường Thành và phản ánh của báo chí, có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, trả lời người tố cáo và báo cáo Thủ tướng kết quả giải quyết trước 15.11.2018”, văn bản nêu rõ.
Như Thanh Niên đã phản ánh, từ đầu năm 2017 đến nay, giữa rừng đăc dụng Thần Sa xuất hiện một con đường bê tông chạy từ cửa rừng đến điểm khai thác vàng của Công ty đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long. Trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, doanh nghiệp này đã tiến hành nhiều hoạt động xâm hại rừng đặc dụng. Chưa hết, đường dân sinh của người dân sống trong vũng lõi rừng đặc dụng Thần Sa đã bị nhiều người tổ chức máy móc đào bới để tìm vàng.
Kết quả kiểm tra mới đây của Đoàn công tác liên ngành tỉnh Thái Nguyên xác định, UBND huyện Võ Nhai đã phê duyệt làm đường nông thôn mới trong rừng đặc dụng trong khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Do đó, rừng đặc dụng bị xâm hại khoảng 3,24 ha. Ngoài ra, với việc hoạt động khai thác khoáng sản, Công ty đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long đã đổ chất thải và xây dựng văn phòng và công trình tâm linh xâm hại vào rừng đặc dụng gần 7 ha.
Đáng chú ý, dù kết luận rừng đặc dụng bị xâm hại nghiêm trọng, nhưng đoàn công tác liên ngành của tỉnh Thái Nguyên đã không xác định được đâu là trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan, đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên cho hợp thức hóa các sai phạm xâm hại rừng đặc dụng.
Bình luận (0)