Trong số này, 2 bị can Tống Văn Dư, sinh năm 1965, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Bắc Giang và Tô Hoàng Thái Lâm, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Hồng Lâm Phát, Vĩnh Long, đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú trước khi bị khởi tố, bị cơ quan điều tra phát lệnh truy nã toàn quốc.
Đại tá Nguyễn Tiến Lực cho biết: theo tài liệu điều tra ban đầu, Trung tâm Xuất khẩu (XK) Seaprodex do ông Lê Hòa Bình, Phó TGĐ Seaprodex kiêm Giám đốc trung tâm và bà Nguyễn Phương Hoa làm kế toán trưởng. Trung tâm có con dấu và tài khoản riêng (nhưng cùng chung mã số thuế với tổng công ty) với chức năng xuất khẩu hàng hóa và hằng tháng đều được hoàn thuế GTGT. Từ tháng 7 đến tháng 10/2002, Trung tâm XK Seaprodex đã làm thủ tục XK hộ lô hàng may mặc trị giá 47.000 USD sang các nước Đông u cho Vũ Thanh Thà (ở 66/15 Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3, TP.HCM - đại diện cho Công ty Anchorket, Hungary) và Công ty TNHH Nam Ngân để hưởng phí ủy thác. Do không có tư cách pháp nhân nên Thà lại nhờ Đặng Thị Trần Châu làm thủ tục XK hộ. Việc "xuất khẩu" này chỉ thỏa thuận với nhau bằng miệng mà không có ký kết hợp đồng. Việc mua hàng, thanh toán với khách hàng nước ngoài đều do người xuất hàng (Vũ Thanh Thà, cơ sở Nam Ngân) trực tiếp thực hiện, không có liên quan gì đến Trung tâm XK Seaprodex. Trung tâm này chỉ làm thủ tục hợp đồng ngoại và tờ khai hải quan theo yêu cầu của người xuất hàng để hưởng chi phí ủy thác. Sau đó, Trung tâm XK Seaprodex đã mua hóa đơn thuế GTGT nhằm hợp thức hóa các chứng từ đầu vào để báo cáo xin hoàn thuế GTGT và chiếm đoạt số tiền 3.086.541.042 đồng. Trung tâm này đã lập 4 bản báo cáo thuế kèm theo hồ sơ có liên quan để thông qua Seaprodex với các văn bản có chữ ký của ông Nguyễn Đình Phương (TGĐ) và Lê Hòa Bình (Phó TGĐ). Căn cứ để Seaprodex được Cục Thuế TP.HCM cho hoàn 3,08 tỉ đồng tiền thuế là dựa vào: 21 hợp đồng XK hàng may mặc sang 7 doanh nghiệp thuộc các nước Đông u do Phó TGĐ Lê Hòa Bình ký với tổng doanh số là 2.035.849 USD; và 29 hóa đơn GTGT về việc xuất hàng may mặc của 5 doanh nghiệp trong nước cho Trung tâm XK Seaprodex với tổng trị giá 33.952.380.567đ.
Cơ quan điều tra xác định trong vụ án này, Phó TGĐ Lê Hòa Bình (sinh năm 1954, ở 359 Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã trực tiếp phê duyệt phương án kinh doanh, ký khống 14 hợp đồng kinh tế và 10 phụ kiện hợp đồng mua hàng may mặc, ký khống 21 hợp đồng thương mại; ký mở 21 tờ khai hàng hóa XK, phê duyệt các chứng từ thu, chi tiền và các chứng từ mua, bán hàng khống. Bà Đặng Thị Trần Châu, (sinh năm 1958, ở 358/5 Điện Biên Phủ, P.11, Q.10, TP.HCM) là cán bộ kinh doanh của trung tâm đã hợp tác với Phan Xuân Luận - Trưởng phòng kinh doanh Công ty Thông tin dịch vụ thương mại quảng cáo (thuộc Seaprodex) đi tìm nguồn và thương thảo mua 29 hóa đơn GTGT khống; trực tiếp giao dịch và thuê xe vận chuyển hàng hóa ra cảng Sài Gòn để làm thủ tục XK; ký giả chữ ký của các đối tác trong các hợp đồng thương mại và các phiếu thu, chi tiền mua, bán hàng may mặc. Bà Châu là người trực tiếp soạn thảo phương án kinh doanh, hợp đồng nội và ngoại khống để trình lãnh đạo phê duyệt.
Cơ quan điều tra cũng nhận định bà Nguyễn Phương Hoa (sinh năm 1958, ở 230/10 Pasteur, P.6, Q.3, TP.HCM) - Kế toán trưởng trung tâm, là người trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động tài chính, kế toán của trung tâm; đã trực tiếp thẩm định và ký 31 phiếu thu tiền bán hàng may mặc cho các đối tác nước ngoài với tổng trị giá trên phiếu thu là 27.353.861.361 đồng, nhưng thực thu nhập quỹ trung tâm có 3,32 tỉ đồng, còn lại 24,2 tỉ đồng là thu khống. Đồng thời Hoa cũng là người trực tiếp thẩm định và ký 51 phiếu chi trả tiền mua hàng với tổng giá trị ghi trên phiếu chi là 27,5 tỉ đồng, nhưng thực tế chi có 6 tỉ đồng, còn lại 21,48 tỉ đồng là chi khống. Hoa là người chịu trách nhiệm trong việc tập hợp các chứng từ và lập báo cáo đề nghị hoàn thuế GTGT. Cơ quan điều tra nhận xét: ông Phan Xuân Luận (sinh năm 1958, ở 290/20 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Trưởng phòng kinh doanh của Công ty Thông tin là người có nguyện vọng xin về làm việc tại trung tâm XK và đã được Phó TGĐ Lê Hòa Bình hứa sẽ tiếp nhận, nhưng yêu cầu trước mắt phải cùng Đặng Thị Trần Châu giúp trung tâm lo hoàn chỉnh các bộ hồ sơ XK hàng may mặc sang các nước Đông u, vì vậy Luận đã tích cực đi tìm và thương thảo với các công ty TNHH để mua hóa đơn GTGT đầu vào cũng như trực tiếp lo việc XK hàng may mặc ra nước ngoài.
Đối với nhóm bị can phạm tội lưu hành giấy tờ có giá giả, cơ quan công an đã xác minh hành vi bán hóa đơn GTGT đầu vào của Tống Văn Dư (sinh năm 1965), ở xã Ngọc Châu, Tân Yên, tỉnh Bắc Giang - Giám đốc Công ty TNHH Bắc Giang, là người trực tiếp ký khống 6 hợp đồng, 3 phụ kiện hợp đồng và đã ký xuất 12 hóa đơn GTGT với tổng trị giá hơn 11 tỉ đồng với nội dung bán hàng may mặc cho Trung tâm XK Seaprodex. Bà Bùi Thị Minh Thư (sinh năm 1979, ở P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) - thành viên của Công ty TNHH Thái Thắng là người trực tiếp viết và bán 7 hóa đơn GTGT trị giá 6,83 tỉ đồng cho Trung tâm XK, đồng thời cũng là người trả tiền môi giới việc mua bán hóa đơn GTGT cho Phan Xuân Luận. Ông Trương Hùng Dũng (sinh năm 1959, ở P.12, Q. Tân Bình, TP.HCM) - Giám đốc Công ty TNHH Dũng Hòa là người ký 1 hợp đồng kinh tế và đã xuất 1 hóa đơn GTGT trị giá 1,68 tỉ đồng với nội dung bán hàng may mặc cho Trung tâm XK, là đã phạm vào tội lưu hành giấy tờ có giá giả theo quy định tại điều 181 Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra cho biết, trong vụ án này, những người có liên quan khác như: Hoàng Công Bình, Vương Xuân Phát, Đỗ Văn Tâm, Lê Phương Anh (kế toán thu chi của Trung tâm XK Seaprodex), Đặng Thị Kim Quy (thủ quỹ của Trung tâm XK)... sẽ có báo cáo đề xuất hướng xử lý tiếp. Theo đại tá Nguyễn Tiến Lực, ngoài việc điều tra vụ chiếm đoạt 3,08 tỉ đồng của 7 bị can nói trên, cơ quan công an còn đang làm rõ một số sai phạm khác của Seaprodex.
Việt Chiến
Bình luận (0)