Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris: Mỹ viện trợ Việt Nam thêm 1 triệu liều vắc xin

25/08/2021 16:09 GMT+7

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo Mỹ quyết định viện trợ Việt Nam thêm 1 triệu liều vắc xin Covid-19 và số vắc xin này sẽ tới Việt Nam trong 24 giờ tới.

Thông tin này được bà Harris đưa ra trong bài phát biểu tại lễ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội, Việt Nam. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng tham dự sự kiện này.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris chụp ảnh chung tại lễ khai trương

Thảo Phạm

Bà Harris cũng đã thông báo việc này trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trước đó, vào trưa nay, 25.8.
Tới nay, Việt Nam đã nhận hơn 4 triệu liều vắc xin Pfizer (3 triệu liều thông qua cơ chế COVAX, hơn 1 triệu liều trong hợp đồng 31 triệu liều mua từ Công ty Pfizer) và 5 triệu liều vắc xin Moderna từ Mỹ thông qua cơ chế COVAX. 

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại lễ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) sáng nay

Thảo Phạm

Với số lượng 1 triệu liều vắc xin mà bà Harris vừa thông báo, số lượng vắc xin mà Mỹ viện trợ cho Việt Nam đã lên tới con số 6 triệu liều. Mỹ là nước viện trợ cho Việt Nam nhiều vắc xin Covid-19 nhất tính tới thời điểm hiện tại.
Văn phòng khu vực mới của CDC Mỹ tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng cường năng lực của CDC nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ người dân Mỹ và người dân trong khu vực thông qua việc ứng phó với các mối đe dọa y tế một cách nhanh chóng hơn, đồng thời xây dựng các kết nối quan trọng nhằm giải quyết những ưu tiên chung về y tế.
Những ưu tiên dành cho văn phòng khu vực mới này bao gồm: xây dựng lực lượng y tế công cộng cho tương lai, mở rộng đào tạo - tập huấn cho các cơ sở xét nghiệm y tế công cộng trong khu vực, phát triển các chương trình đổi mới nhằm cải thiện sức khỏe cho các nhóm dân số lưu động và di cư, bảo đảm công tác phối hợp đồng bộ ứng phó trước các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng thông qua mạng lưới các Trung tâm Điều hành ứng phó khẩn cấp, và tăng cường hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi và có nguồn gốc từ động vật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.