Chiều nay 10.5, Ban Nội chính T.Ư tổ chức thông tin về kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo). Trả lời tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư, đã thông tin về tiến độ điều tra một số vụ án trọng điểm, trong đó có vụ Việt Á, AIC...
Đối với vụ AIC, ông Yên cho biết, Thường trực Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử theo thời hạn bộ luật Tố tụng hình sự.
Riêng đối với bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn, các cơ quan đang tích cực áp dụng các biện pháp, cố gắng truy bắt. Vụ án liên quan bà Nhàn đã được đưa ra xét xử, bà Nhàn từ bị can thành bị cáo, rồi thành bị án, tức là người đã có bản án nên trách nhiệm là phải thi hành án.
"Nhà nước quyết tâm thi hành nhưng giờ phải nói rõ là hiện chưa bắt được, không có cứ lấn cấn rằng bắt được rồi xong giấu ở đâu. Thi thoảng chúng tôi nhận được thông tin hỏi hình như bắt được rồi xong giam ở đâu phải không", ông Yên khẳng định.
Liên quan đến vụ án Việt Á, ông Yên cho biết, đến nay, cơ quan tố tụng đã điều tra làm rõ nhưng vụ án này xảy ra từ T.Ư đến địa phương, xuyên suốt, ở đó có đối tượng của Công ty Việt Á.
"Một vụ án độc lập có thể xét xử ngay, nhưng nhiều vụ án xuyên suốt một đối tượng có liên quan thì cơ chế xét xử phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, công khai, công bằng, thấu tình đạt lý. Hơn nữa, ở đây lại liên quan đến hệ thống điều tra T.Ư và địa phương nên không phải chuyện đơn giản", ông Yên nói.
Do đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất theo đề nghị của cơ quan điều tra và các cơ quan tố tụng T.Ư, quyết định cho lùi thời hạn kết thúc điều tra vụ Việt Á trong quý 2 và ban hành cáo trạng để truy tố và xét xử trong quý 3.
Đối với vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) và các trung tâm đăng kiểm tỉnh, thành phố, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư nhấn mạnh vi phạm, sai phạm là có thật, liên quan trực tiếp đến Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đây là sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau.
"Giá trị tiêu cực tính bằng tiền không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn. Mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi 8.000 - 10.000 người, trong đó có lỗi của đăng kiểm", ông Yên nói và nhấn mạnh, hậu quả trong vụ án này đối với xã hội rất nặng nề.
Để quá trình xử lý không ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm của người dân, doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến lưu thông và phát triển kinh tế - xã hội, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất giao cơ quan chức năng bàn bạc để có giải pháp xử lý phù hợp nhất, thống nhất chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng có liên quan trong các vụ án theo nguyên tắc "có tội là phải xử lý", nhưng vẫn đảm bảo thấu tình đạt lý.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 10.5
Bình luận (0)