Phó trưởng ban Nội chính T.Ư nói về việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng

22/11/2023 16:52 GMT+7

Liên quan tới vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên khẳng định, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã quyết định xử lý thì cần tin có căn cứ, đề nghị người dân hãy tin vào kết quả điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Chiều 22.11, Ban Nội chính T.Ư, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), tổ chức buổi thông báo kết quả cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo.

Phó trưởng ban Nội chính Trung ương nói về việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng

Tại cuộc họp, báo chí đã đặt vấn đề vụ ông Lưu Bình Nhưỡng vừa qua bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc cưỡng đoạt tài sản có thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo hay không và những đánh giá của Ban Nội chính T.Ư về vụ án này.

Phó trưởng ban Nội chính T.Ư nói về việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh 1.

Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên thông tin tại buổi họp

GIA HÂN

Trả lời câu hỏi này, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên nêu rõ vụ án này đang được các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình trực tiếp thụ lý giải quyết và "chưa thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo". Ông Yên nhấn mạnh, các cơ quan chức năng đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền.

Theo ông Yên, thông qua sự việc này cần thấy rõ, đối với ông Lưu Bình Nhưỡng, là người được cho là có nhiều ý kiến thẳng thắn ở các diễn đàn khác nhau, thì những đóng góp tốt phải ghi nhận nhưng những vi phạm cũng phải xử lý. 

"Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã quyết định xử lý thì cần tin có căn cứ", ông Yên nhấn mạnh.

Phó trưởng ban Nội chính T.Ư nêu rõ, pháp luật quy định rất chặt, nhất là pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự. Để quyết định khởi tố một vụ án, một bị can, đặc biệt áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam là cực kỳ nghiêm trọng.

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rất chặt chẽ, không một cơ quan nào có thể tự thực hiện một mình. Toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra được viện kiểm sát cùng cấp kiểm sát trực tiếp, toàn diện và chịu trách nhiệm về việc phê chuẩn quyết định khởi tố.

Nếu khó khăn, vướng mắc còn phải xin hướng dẫn của các cơ quan tiến hành tố tụng. Những vấn đề khác còn được các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm xử lý, chỉ đạo xử lý theo đúng quy định của Nhà nước, tổ chức.

"Người dân chưa hiểu, còn băn khoăn, lo lắng, ý kiến này, ý kiến khác nhưng hãy tin vào kết quả điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật", ông Yên nói, và cho biết, trong thời gian ngắn sẽ có nhiều thông tin hơn để hiểu nhiều chiều, đánh giá công tâm, khách quan, đúng bản chất sai phạm.

Xem nhanh 20h ngày 22.11: Phó trưởng ban Nội chính Trung ương nói về việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng

Trước đó, ngày 15.11, Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng (60 tuổi, quê quán xã Hùng Dũng, H.Hưng Hà, Thái Bình; hiện trú tại Q.Tây Hồ, Hà Nội) để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản. 

Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (37 tuổi, thường gọi là Cường "quắt", có 3 tiền án, trú xã Thụy Xuân, H.Thái Thụy, Thái Bình) về tội cưỡng đoạt tài sản.

Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là Vụ trưởng, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư. Tới năm 2016, ông Nhưỡng trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tại tỉnh Bến Tre, giữ chức vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) Quốc hội. 

Tới cuối tháng 9.2018, ông Nhưỡng được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Dân nguyện. Ông Nhưỡng là một trong 2 trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV có văn bản đề xuất Ban Tổ chức T.Ư kiến nghị Bộ Chính trị xem xét cho tái ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV theo trường hợp đặc biệt hoặc diện chuyên gia do ông Nhưỡng đã quá tuổi. 

Tuy nhiên, ông Nhưỡng đã không được tái ứng cử Quốc hội khóa XV và vẫn giữ chức vụ Phó trưởng ban Dân nguyện tới nay. Theo quy định hiện hành, ông Nhưỡng sẽ nghỉ hưu trong tháng 11.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.