Phố Wall lặng lẽ 'xếp xó' giấc mơ bitcoin

24/12/2018 18:10 GMT+7

Golman Sachs, Morgan Stanley và nhiều hãng tài chính khác từng xây giấc mơ Phố Wall bước vào thị trường tiền mã hóa năm 2018. Song đến giờ vẫn chưa thứ gì chắc chắn được xây dựng.

Theo Bloomberg, năm ngoái, các hãng lớn chần chừ về việc theo đuổi lợi nhuận ở một trong các góc tối hơn của ngành tài chính, còn năm nay thì họ tiếp tục làm chậm các nỗ lực kiếm tiền từ cơn sốt bitcoin. Trong khi một số doanh nghiệp đã rục rịch đầu tư còn một số khác tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng giao dịch, hầu hết đều nao núng khi thị trường tiền mã hóa lao dốc.
Lấy Goldman Sachs làm ví dụ. Ngân hàng từng tìm cách đi trước trong mảng tài sản kỹ thuật số, song đến nay tiến độ phát triển chậm đến mức nỗ lực bước vào thị trường hầu như không còn được chú ý. Nhiều người trong ngành cho hay kỳ vọng cho rằng đợt tăng giá “điên cuồng” của bitcoin năm ngoái giúp Phố Wall cởi mở với thị trường giờ đây nghe có vẻ… kỳ cục.
“Thị trường có kỳ vọng không thực tế rằng Goldman hay bất cứ ngân hàng, hãng tài chính nào cũng bất ngờ khởi động giao dịch bitcoin. Đó là suy nghĩ dạng cường điệu hàng đầu”, Daniel H. Gallancy, CEO SolidX Partners, cho hay. Hãng SolidX Partners đang xin mở quỹ hoán đổi danh mục bitcoin (bitcoin ETF) ở Mỹ.
Goldman vẫn là tâm điểm cho hàng loạt hy vọng về việc các hãng tài chính tên tuổi bắt đầu ưu ái tiền mã hóa. Đây là một trong những cái tên đầu tiên ở Phố Wall mở cửa với hợp đồng kỳ hạn bitcoin. Năm ngoái, nhà băng chuẩn bị mở bộ phận giao dịch tiền mã hóa, thậm chí còn để nhân viên trả lời tờ The New York Times về kế hoạch này. Sau khi xem xét dịch vụ lưu ký cho các quỹ tiền mã hóa, Goldman còn đầu tư vào dịch vụ lưu ký BitGo Holdings.
Làm nhiều nhưng đến nay Goldmang vẫn chưa cung cấp giao dịch tiền mã hóa và cũng đón ít khách hàng chú ý đến công cụ phái sinh trên bitcoin. Justin Schmidt, người đứng đầu mảng tài sản kỹ thuật số của Goldman, cho biết tại một hội nghị vào tháng 11 rằng giới quản lý đang giới hạn những gì ông có thể làm.
Giá bitcoin lao dốc mạnh từ khi đạt đỉnh gần 19.000 USD Ảnh: Bloomberg
Dù khó khăn, sắp tới Goldman vẫn có kế hoạch thêm chuyên gia về tài sản kỹ thuật số vào bộ phận môi giới chính. Trong bối cảnh giới quản lý chưa cung cấp hướng dẫn rõ ràng về cách họ sẽ phân loại tài sản cho “núi” tiền mã hóa, ngân hàng và các hãng đầu tư đang hết sức cẩn trọng.
Morgan Stanley, nhà băng thuê ông Andrew Peel về đứng đầu bộ phận tài sản kỹ thuật số hồi đầu năm nay, chuẩn bị xong về mặt kỹ thuật để cung cấp giao dịch hoán đổi theo dõi hợp đồng kỳ hạn bitcoin từ tháng 9. Song đến nay Morgan Stanley vẫn chưa giao dịch một hợp đồng nào. Một nguồn thạo tin cho hay hợp đồng sẽ được tung ra một khi ngân hàng nhận được nhu cầu chắc chắn từ khách hàng tổ chức.
Trong khi đó, Citigroup chưa giao dịch bất kỳ sản phẩm nào được thiết kế cho tiền mã hóa theo cấu trúc quy định hiện hữu. Ở London, nhà băng Barclays từng thu hút sự quan tâm của khách hàng với bộ phận giao dịch tiền mã hóa hiện cũng im ắng. Đầu năm nay, ngân hàng Anh bổ nhiệm hai cựu nhà giao dịch dầu thô Chris Tyrer và Matthieu Jobbe Duval để tìm hiểu về mảng giao dịch tiền mã hóa, song ông Tyrer thì rời bộ phận này hồi tháng 9, còn ông Duval “ra đi” tháng 11.
Theo phát ngôn viên Barclays, ngân hàng giờ không có kế hoạch mở bộ phận giao dịch tiền mã hóa. Citigroup và Morgan Stanley từ chối bình luận về kế hoạch kinh doanh. Phát ngôn viên Goldman Sachs Patrick Lenihan thì cho biết nhà băng đang “tập trung chủ yếu vào dịch vụ chu đáo và an toàn cho khách hàng”.
Giữa lúc này, nhà giao dịch Credit Suisse Ben Sebley nhận định: “Câu chuyện quan trọng hơn là tất cả cơ sở hạ tầng được xây dựng để mở cửa cho giao dịch của giới đầu tư tổ chức”.
Đơn cử, Intercontinental Exchange, công ty sở hữu Sàn giao dịch chứng khoán New York, cho biết hồi tháng 8 rằng họ sẽ tung bộ dịch vụ cho phép người tiêu dùng và tổ chức mua, bán, lưu trữ và chi tiêu tài sản kỹ thuật số. Fidelity Investments công bố hồi tháng 10 rằng hãng đang chuẩn bị mảng kinh doanh mới để quản lý tài sản kỹ thuật số cho các quỹ phòng hộ, văn phòng gia đình và công ty giao dịch. Đây là hai trong số các dấu hiệu tích cực mà những người ủng hộ tiền mã hóa chờ đợi.
Cuối cùng thì ngay cả khi thị trường đã "bốc hơi" 700 tỉ USD, những người tin tưởng vào tương lai tiền mã hóa vẫn bám sát kịch bản của họ. “Có vẻ như tiến bộ đang tạm dừng khi vẫn chưa thứ gì thành hiện thực. Thị trường giảm giá sẽ cho phép nhiều tổ chức dựng nền móng phù hợp, không cần vội vã xây cơ sở hạ tầng mà bỏ qua việc kiểm tra đầy đủ, hệt như kiểu họ sợ bỏ lỡ một cơn sốt vàng”, cựu nhà giao dịch Eugene Ng thuộc ngân hàng Deutsche Bank cho hay. Ông Eugene Ng vừa mở quỹ phòng hộ tiền mã hóa tên Circuit Capital.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.