'Phố Wall' Sài Gòn xưa và nay

28/09/2019 07:25 GMT+7

Hàng loạt ngân hàng , công ty chứng khoán mọc lên xung quanh trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM dần dần hình thành nên khu phố tài chính .

Cái tên “Phố Wall” dần xuất hiện trong những buổi trà đạo, những câu chuyện bên lề của nhiều người hoạt động trong ngành tài chính xưa nay.

Khu phố tài chính gần 100 năm

“Phố Wall” Sài Gòn không có những tòa cao ốc chọc trời như các trung tâm tài chính lớn trên thế giới nhưng có nét đặc trưng riêng. Nơi đây có những con đường xưa nhất của đô thành Sài Gòn và vẫn còn những tòa nhà được xây theo kiến trúc Pháp. Khu vực này quy tụ hàng chục ngân hàng lớn nhỏ, công ty tài chính, chứng khoán nằm gọn trên địa bàn phường Nguyễn Thái Bình, Q.1 trên các đường Nguyễn Công Trứ với những góc phố lân cận tiếp giáp qua Bến Chương Dương (nay là Võ Văn Kiệt), tiếp xúc với Pasteur, vòng qua Hàm Nghi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…
'Phố Wall' Sài Gòn xưa và nay

Nhà đầu tư chứng khoán chen chúc nhau giao dịch tại các sàn ở "Phố Wall" trước đây

Ảnh: Gia Khiêm

Ở số 8 Võ Văn Kiệt, trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhìn khá cũ kỹ nhưng có bề dày lịch sử. Tòa nhà này đã có từ năm 1929 - 1930, được Ngân hàng Đông Dương xây dựng và sử dụng từ năm 1930 - 1957. Từ năm 1957 đến trước 30.4.1975 là Ngân hàng Quốc gia VN (Việt Nam Cộng hòa) và từ tháng 7.1976 đến nay là trụ sở Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh TP.HCM. Tòa nhà nhìn ra rạch Bến Nghé, có hình chữ nhật, 4 mặt tiền gồm các đường Võ Văn Kiệt, Tôn Thất Đạm, Nguyễn Công Trứ và Pasteur; gồm tầng hầm, tầng trệt và hai tầng lầu. Kiến trúc của tòa nhà rất đặc biệt, pha trộn giữa phong cách kiến trúc châu Âu kết hợp với các đường nét kiến trúc Chăm, Khmer.
Trải qua 90 năm, tòa nhà đã cũ đi rất nhiều nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa. Theo Trung tâm bảo tồn di tích - Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, tòa nhà được xếp vào loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, với các hiện vật thuộc di tích gồm một số máy móc, trang thiết bị chuyên ngành; một số bàn ghế làm việc, bộ salon; hệ thống quạt và đèn treo tường cùng một số bộ động cơ thang máy hiện không còn sử dụng đang lưu giữ trong kho. Đầu năm 2016, Trung tâm bảo tồn di tích - Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã có công văn gửi Cục Di sản đề nghị xem xét lý lịch di tích trụ sở ngân hàng này để công nhận là di tích cấp quốc gia.
Ngày nay, khi bước vào trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, những đường nét ấy vẫn rõ ràng. Bên trong tòa nhà, giữa sảnh lấy sáng từ ô kính lớn nhiều màu sắc trên trần nhà, các cột đá ở giữa, trong các phòng đều được trang bị những chiếc quạt trần và treo tường 2 cánh sơn vàng, các cửa phòng to lớn được làm bằng gỗ; hệ thống thang máy chạy bằng cáp kéo…
Ông Huỳnh Bửu Sơn, từng làm việc trong ban lãnh đạo Nha Phát hành Ngân hàng Quốc gia VN, cho hay: “Kiến trúc tòa nhà này của Pháp nhưng pha trộn giữa Khmer và VN, trên các cột có chạm trổ rắn, hoa sen… Các hầm bạc được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa mét, các cửa hầm bằng thép có hai ổ khóa và mật mã riêng, được thay đổi định kỳ, mỗi cửa nặng trên 1 tấn”. Khu vực từ Bến Chương Dương, Hàm Nghi, kéo dài xuống chợ Bến Thành trước đây, theo ông Huỳnh Bửu Sơn khá nhộn nhịp với sự xuất hiện hơn chục ngân hàng cả trong và ngoài nước như HSBC, Viễn Đông, Việt Nam Thương Tín, Standard Chartered, Pháp Á, Việt Nam Ngân hàng, Việt Nam Công thương ngân hàng, Nông Công thương và một số ngân hàng Pháp.
'Phố Wall' Sài Gòn xưa và nay

Một góc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM

Nhưng khu phố tài chính chỉ thật sự trở nên nhộn nhịp hơn bắt đầu từ giữa năm 2000, khi Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM chính thức được thành lập (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - HOSE). Tọa lại tại số 16 Võ Văn Kiệt (số cũ là 45 - 47 Bến Chương Dương), tòa nhà của HOSE trước năm 1975 là Hội trường Diên Hồng, là nơi họp của Thượng viện Việt Nam Cộng hòa từ năm 1967 đến 30.4.1975. Đến ngày 28.7.2000, phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên tại HOSE diễn ra tại đây. Với sự ra đời của thị trường chứng khoán và HOSE, ngay lập tức khu phố tài chính đã thu hút thêm hàng loạt công ty chứng khoán ra đời và đặt văn phòng tại đây. Và cứ thế mỗi ngày, khi hàng ngàn nhà đầu tư kéo nhau ra công ty chứng khoán đặt lệnh mua bán cổ phiếu đã khiến cho khu phố bắt đầu sôi động hơn.

Ăn, ngủ cùng chứng khoán

Trong khi những tòa nhà ngân hàng thường không quá ồn ào thì ngược lại, đối với dân chứng khoán, “Phố Wall” một thời là nơi thân thuộc. Giai đoạn năm 2005 - 2007, thị trường chứng khoán bắt đầu “nổi sóng”, các cổ phiếu tăng giá vùn vụt, nhà đầu tư mua đâu thắng đó. Từ tháng 11.2006 đến hết tháng 1.2007, VN-Index đã bùng nổ gấp đôi. Đó là giai đoạn từ bà nội trợ đến sinh viên đều đua nhau mở tài khoản mua bán cổ phiếu. Cả những nhân viên công sở cũng trốn việc tranh thủ ra sàn chứng khoán đặt lệnh. Đi đâu cũng nghe nói về mua cổ (cổ phiếu) nào, bán cổ nào. Thống kê từ HOSE khi đó, riêng năm 2007 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư đã tăng thêm gần 70% so với cuối năm 2006.
Vào buổi sáng, nếu những ai lỡ bước đến khu phố tài chính này sẽ thấy choáng ngợp bởi không khí sôi động, náo nhiệt. Khi đó, văn phòng hai công ty chứng khoán Bảo Việt và SSI đông đúc nhất bởi đây là những công ty chứng khoán đầu tiên ra đời, tọa lạc giữa trung tâm “Phố Wall”. Mỗi buổi sáng, hàng trăm nhà đầu tư chen chúc nhau ghi lệnh, đưa nhân viên gõ lệnh vào máy tính và sau đó nhân viên chứng khoán ngồi trong HOSE mới gõ lệnh vào hệ thống của sở. Giữa những tiếng huyên náo, thậm chí có cả những tiếng chen lấn, xô đẩy nhau và cãi vã, la mắng nhân viên vì sợ lệnh mình nhập sau, hết giờ sẽ không còn cơ hội mua giá ngon. Sàn chứng khoán ngày ấy giống như kiểu “chợ trời” vì cái ồn ào ấy. Có khi quá tải, một công ty chứng khoán còn ra điều kiện chỉ cho nhà đầu tư có tài khoản đạt số dư trên 100 triệu đồng mới được giao dịch.
Kéo theo cơn cuồng nhiệt này là sự ra đời của hàng loạt công ty chứng khoán trải dài dọc đường Nguyễn Công Trứ. Kèm theo đó là các quán ăn, tiệm cà phê, quán cóc lúc nào cũng tấp nập nhà đầu tư và môi giới chứng khoán. Sau khi đặt lệnh mua bán, họ sẽ gặp gỡ nhau, trao đổi và hóng thông tin. Những câu chuyện xoay quanh mã cổ phiếu nào có triển vọng, doanh nghiệp làm ăn ra sao, những mức lợi nhuận mơ ước… được thảo luận rôm rả từ trong văn phòng đến vỉa hè. Có nhiều nhà đầu tư vì muốn tìm được chỗ để xe hay một chỗ ngồi ở sàn giao dịch chứng khoán phải đến từ sáng sớm. Rồi cảnh người người mang từng bao tải tiền ngồi trà đá vỉa hè giao dịch cổ phiếu OTC (cổ phiếu chưa lên sàn chính thức - PV). Có nhiều nhà đầu tư nhận xét: “Đúng là Phố Wall vì đi đâu, làm gì cũng chỉ nghe nói về chứng khoán”.
Đây cũng là nơi những người giữ xe, đánh giày, bán báo dạo được mùa; bản tin chứng khoán đầu ngày đã cháy hàng; các quán cà phê vỉa hè không lúc nào ngớt khách. Thậm chí buổi tối, các quán lẩu lề đường Nguyễn Công Trứ cũng khói lửa mịt mù phục vụ cho dân đầu tư chứng khoán sau những giờ “chiến đấu” căng thẳng trên sàn giao dịch. Nguyễn Công Trứ trở thành con đường luôn trong tình trạng kẹt xe.
Anh Trương Duy Khiêm, làm ở Công ty chứng khoán Bảo Việt ngay từ những ngày đầu thị trường chứng khoán VN ra đời, kể có những nhóm sinh viên ra tụ tập đá banh từ khuya để xếp hàng đặt lệnh mua cổ phiếu. Nhân viên môi giới bận tối mắt từ sáng đến khi hết giờ giao dịch. Thậm chí vào buổi chiều khi không có giao dịch, sàn chứng khoán cũng đông nghẹt nhà đầu tư đến nộp tiền, rút tiền, còn hơn cả giao dịch ở ngân hàng. Tâm lý các nhà đầu tư khi ấy chỉ muốn ra các sàn gần HOSE nhất để lệnh được nhập vào hệ thống thông suốt. Chính vì vậy, các công ty chứng khoán hầu hết đặt phòng giao dịch xung quanh khu phố tài chính này thì mới thu hút được nhà đầu tư.
“Mức tập trung ở khu phố tài chính này trở nên cao hơn bao giờ hết dù mặt bằng khan hiếm và giá cao ngất ngưởng. Cái không khí ấy sẽ không bao giờ trở lại nữa từ khi chứng khoán lao dốc cuối năm 2008”, anh Trương Duy Khiêm tiếc rẻ.

“Phố Wall” vắng vẻ nhưng giá mặt bằng vẫn ở mức khủng

Diện mạo của khu phố tài chính đến nay đã thay đổi khá nhiều với những tòa nhà cao tầng được xây dựng như Ngân hàng VietinBank góc Hàm Nghi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa cao 25 tầng, NCB trên đường Hàm Nghi cao 18 tầng, Ngân hàng Nam Á, BIDV… Tuy nhiên không khí ở khu phố này không còn tấp nập, có đoạn đường trở nên vắng vẻ, ảm đạm. Đặc biệt ngày nay, hầu hết nhà đầu tư chuyển sang giao dịch trực tuyến nên ít ai lên sàn. Cái không khí ồn ào, náo động của “Phố Wall” ngày ấy có lẽ không bao giờ xuất hiện nữa. Với nhiều nhà đầu tư chứng khoán, đó là một ký ức đẹp nhưng với một số người cũng là ký ức buồn khi lượng lớn tiền bạc, tài sản đã ra đi.
Vào thời nhộn nhịp nhất của “Phố Wall” khi các công ty chen nhau tìm mặt bằng, giá nhà đất tại đây cũng tăng đến chóng mặt. Có nhiều người săn mua giá 12 lượng vàng cho 1 m2 đất tại đây, cao gấp 5 lần so với năm 2000. Vào thời điểm năm 2007, một đại gia trong lĩnh vực tài chính cho biết đã thu gom một khu đất là chung cư nhỏ và phải trả đến 30 lượng vàng SJC cho 1 m2 đất. Vào năm 2016, Công ty TNHH Gachvang có một báo cáo về giá đất khu vực tài chính, chứng khoán này với nửa tỉ đồng 1 m2 đất đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Hồ Tùng Mậu có giá 455,6 triệu đồng/m2, Hàm Nghi có giá 415,9 triệu đồng/m2, Nguyễn Công Trứ có giá 305,4 triệu đồng/m2, Phó Đức Chính có giá 265 triệu đồng/m2, đường Võ Văn Kiệt có giá 140 triệu đồng/m2. Đường có mức độ tăng giá nhanh nhất lúc bấy giờ là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Công Trứ…
Cũng theo công ty này, giá đất hiện nay của đường Nguyễn Công Trứ vào khoảng 413,7 triệu đồng/m2 (tương ứng khoảng 10 lượng vàng SJC), đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.Nguyễn Thái Bình) có giá hơn 600,6 triệu đồng, đường Hồ Tùng Mậu có giá khoảng 600 triệu đồng/m2. Riêng với giá thuê nếu nhà phố thông thường thì khoảng 55 - 60 triệu đồng/tháng; nếu mặt bằng rộng hơn, nhiều tầng hơn thì có khi lên đến 200 - 300 triệu đồng/tháng. Đối với các cao ốc văn phòng, giá thuê sẽ dao động từ 15 - 25 USD/m2... Nói như đại diện một công ty chứng khoán thì giờ kinh doanh cần hiệu quả. Nhà đầu tư không cần lên sàn nữa nên công ty cũng không cần phải thuê mặt bằng ở khu phố tài chính này vì khan hiếm và quá đắt đỏ. Quan trọng nhất là “giờ cũng không còn là “Phố Wall” trong mắt nhiều nhà đầu tư nữa”.

TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực 

Hội thảo “Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” do UBND TP.HCM chủ trì vào giữa tháng 7 với sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu và các tổ chức tài chính, đầu tư. Sau khi lắng nghe ý kiến trao đổi từ các chuyên gia, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh TP quyết tâm làm đề án này. Trước hết, đặt mục tiêu TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của cả nước do nhu cầu vốn của TP và cả nước rất lớn. Hiện TP.HCM đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và sẽ làm quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, TP đang đẩy mạnh đô thị thông minh, đẩy mạnh nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và ứng dụng từng bước vào thực tiễn; hoàn thiện hạ tầng giao thông; hiện đại hóa quy hoạch đô thị và tiếp tục đẩy mạnh các chương trình khởi nghiệp sáng tạo của TP, trong đó sẽ quan tâm khởi nghiệp công nghệ tài chính…
Trước đó từ năm 2002, Bộ Chính trị đã xác định xây dựng và phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực ASEAN. Vì vậy các chuyên gia cho rằng đây là chiến lược quốc gia chứ không còn là chuyện của riêng TP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.