Từ 1.10, khi TP.HCM chính thức nới giãn cách, chị M. mong muốn đưa các con quay lại TP.HCM để đi làm và các con được học online. Tuy nhiên, năm lần bảy lượt chị M. làm đơn gửi Sở GTVT TP.HCM và UBND P.Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu (nơi chị đang kẹt lại) nhưng kết quả đều “bặt vô âm tín”. Ngày 4.10, chị M. tiếp tục gửi đơn cho P.Thắng Nhất thì cán bộ phường nói sẽ chuyển đơn lên TP.Vũng Tàu rồi sau đó chuyển lên tỉnh xem xét... Khi chị M. gọi điện hỏi lại, thì vị cán bộ phường bảo chờ!
Không riêng chị M., nhiều người dân TP.HCM hiện đang bị kẹt tại các tỉnh rất sốt ruột, bức xúc về chuyện đi lại sao mà gian nan đến thế. Chị M. cũng như nhiều người khác đều hội đủ điều kiện đi lại như có xe riêng, di chuyển “1 cung đường 2 điểm đến”, đã chích từ 1 - 2 mũi vắc xin, tuân thủ 5K và có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.
Covid-19 sáng 6.10: Cả nước 818.324 ca nhiễm, 747.053 ca khỏi | Hỗ trợ dòng người hàng vạn người đang đổ về quê |
Rào chắn đi lại liên tỉnh cũng khiến các doanh nghiệp nước ngoài bức xúc. Mới đây (ngày 1.10), trong công văn gửi lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết quy định hạn chế đi lại giữa các tỉnh vẫn đang gây cản trở cho việc phục hồi hoạt động kinh doanh. “Nếu các địa phương không sớm tháo gỡ, sẽ tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến tâm sinh lý của công nhân, làm giảm chỉ số môi trường kinh doanh và các dây chuyền sản xuất rất có thể sẽ không quay trở lại Việt Nam”, công văn của EuroCham khuyến cáo.
Mặc dù TP.HCM đã chủ động gửi công văn cho các tỉnh trong khu vực đề nghị phối hợp, tạo điều kiện cho người dân đi lại; thế nhưng các tỉnh đều cho biết chưa nhận được, hoặc mới nhận nên chưa thể triển khai. Việc thiếu thống nhất trong phối hợp đi lại liên tỉnh dẫn đến tình trạng tỉnh A đồng ý nhưng tỉnh B lắc đầu. Đơn cử tại Đồng Nai, khi đề cập đến đề nghị của TP.HCM thì lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai nói rằng chưa nhận được văn bản của Sở GTVT TP.HCM nên chưa có ý kiến. Còn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh này cũng nói đang họp bàn, chưa có thông tin cụ thể. Tại Bình Dương cũng mới chỉ có TP.Dĩ An cho phép đi lại liên tỉnh. Tại Tây Ninh, người dân được đi lại nhưng ra vào tỉnh phải để lại giấy tờ tùy thân và nhiều điều kiện khắt khe khác...
Chống dịch hiệu quả là để phục hồi kinh tế và tạo thuận lợi cho sự di chuyển có ý thức của người dân. Khi tổ chức được sự di chuyển có ý thức, với chính sách chống dịch linh hoạt, cũng đồng nghĩa với việc kích thích tiêu dùng, tăng mãi lực cho nền kinh tế. Bộ Y tế, Bộ GTVT đã ban hành các tiêu chí thích ứng an toàn trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ cũng đã giao quyền chủ động cho các tỉnh, thành. Do vậy hơn ai hết, các địa phương cần thực tâm ngồi lại với nhau để cùng tháo gỡ những rào cản đi lại. Bởi lẽ suy cho cùng, mọi chính sách đều phải tạo thuận lợi cho dân.
Bình luận (0)