(TNO) Quanh năm lênh đênh giữa trùng dương, cuộc sống của giới thủy thủ mong manh, dễ phải chia ly bởi hiểm nguy trên biển và cả bão tố gia đình.
Vợ chồng ông Hùng trong một chuyến tham quan - Ảnh: NVCC
|
>> Phong ba đời thủy thủ viễn dương - Kỳ 2: Thời oanh liệt nay còn đâu
>> Phong ba đời thủy thủ viễn dương - Kỳ 1: Kiếm 'vàng ròng' từ... rác
Mòn mỏi đợi tin chồng
Hơn 2 tháng qua, gia đình ông Nguyễn Đình Hùng, 44 tuổi, ở phường Nam Hải, quận Hải An, TP.Hải Phòng bao trùm không khí nặng nề khi thông tin ông bị mất tích bí ẩn vào rạng sáng 7.10. Ông Hùng làm bếp trưởng trên tàu Annie Gas 09, bị mất tích khi tàu đang neo đậu ở gần đảo Batam (thuộc tỉnh Riau Islands, Indonesia) thuộc eo biển Singapore.
Những ngày qua, vợ ông Hùng là bà Ngô Thị Tầm, 38 tuổi, không ăn được nên sức khỏe vốn yếu càng trở nên tiều tụy, xanh xao, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ. Bà Tầm cho biết không thể diễn tả hết được những nỗi buồn thương, lo lắng cho chồng. “Ông Hùng nhà tôi là người ai gặp lần đầu là yêu quý vì sống rất tình nghĩa, có trách nhiệm với công việc. Ông ấy đi làm nhưng suốt ngày chỉ lo lắng cho mẹ con tôi ở nhà gặp khó khăn nên hay gọi điện về động viên”, bà Tầm chia sẻ.
Trong giới thủy thủ thường hát bài Chỉ còn biển thôi với những ca từ day dứt. Nội dung bài hát này nói về cuộc tình dang dở của chàng trai đi biển đành phải chấp nhận người yêu trên bờ đi lấy chồng. Trao đổi với chúng tôi, tác giả bài hát là nhạc sĩ Đình Thậm, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng cho biết tác giả phần lời của bài hát này là nhà thơ Ngân Vịnh. “Người dân ở vùng duyên hải Nam Trung bộ có câu ca “Chồng nghèo mà nghề ruộng em theo/ Chứ chồng giàu mà nghề biển hồn treo cột buồm”. Những khó khăn của người lênh đênh sóng nước như thế đã tạo nguồn cảm hứng để tôi sáng tác bài hát này”, nhạc sĩ Đình Thậm cho bết.
Vợ chồng ông Hùng ở cùng với bố mẹ già, trong đó bố ông Hùng 74 tuổi, bị tai biến nằm liệt giường mấy năm qua. Cuộc sống quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển nên những lần về thăm nhà của ông Hùng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lần ông Hùng gặp người thân gần đây nhất là vào ngày 24.9 khi tàu cập cảng Đình Vũ, TP.Hải Phòng.
Mọi việc sinh hoạt, đối ngoại ở nhà đều do bà Tầm đảm nhiệm. Ngoài công việc làm cấp dưỡng ở Trường tiểu học Đằng Hải, bà Tầm còn tranh thủ chăm vườn hoa cúc để kiếm thêm thu nhập. “Bố chồng tôi nghe tin con trai mất tích sốc quá nên phải đưa đi Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng điều trị 9 ngày. Còn mẹ tôi bỏ ăn, cứ động nói là khóc. Vì là trụ cột trong nhà lúc này nên tôi cố gắng kìm nén không cho mình gục ngã. Đến chỗ làm các chị đồng nghiệp cũng động viên, an ủi và giúp đỡ rất nhiều”, bà Tầm rớm nước mắt.
Cậu con trai Nguyễn Đức Mạnh đang học Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ biết động viên mẹ qua điện thoại và tranh thủ về thăm nhà ngày cuối tuần. Hiện gia đình bà Tầm đang giữ một chai nhựa chứa nước biển được lấy tại nơi tàu Annie Gas 09 neo đậu.
Bà Tầm bên chai nước nước biển được lấy tại nơi tàu Annie Gas 09 neo đậu - Ảnh: V.N.K
|
Bão tố đến từ... tổ ấm
Bên cạnh những người vợ chung thủy đợi chồng thì có không ít những người rơi vào hoàn cảnh tan cửa nát nhà vì vợ ở nhà ngoại tình. Câu chuyện của anh Trần Văn C., 32 tuổi, trú quận Kiến An, TP.Hải Phòng là một ví dụ. Anh C. là máy trưởng của tàu viễn dương, cuộc sống là những chuyến đi dài lênh đênh trên biển.
Cuộc sống của vợ chồng anh C. là niềm mơ ước của nhiều người khi có 2 con xinh xắn, kinh tế ổn định. Tuy nhiên, anh vẫn phải ra tòa ly hôn vào tháng 10.2013 vì phát hiện vợ mình có “bồ”.
“Đặc thù nghề nghiệp lênh đênh sóng nước quanh năm suốt tháng nên tôi hiểu được nỗi cô đơn của vợ ở nhà. Thế nên chuyện bồ bịch cũng là điều dễ hiểu, chỉ có điều người vợ phải kín đáo, “ăn vụng phải chùi sạch mép”. Dù tôi rất đau khổ nhưng phải chấp nhận ly hôn”, anh C. chia sẻ và trách bản thân “chiều vợ quá!”. Hiện nay, anh C. và vợ cũ đang tranh chấp căn nhà 4 tầng khang trang trong một khu đô thị.
Còn thuyền trưởng Phạm Trung Dũng, gắn bó với nghề hàng hải đã 29 năm cho biết nghề thủy thủ viễn dương được gọi là nghề “bọt biển”, “hồn treo cột buồm”, ở dưới thuyền thì còn tiền nhưng lên bờ là hết. “Ngày mẹ và bà nội mất, rồi vợ đẻ, con ốm nhưng tôi không về được. Mọi việc đều do vợ tôi ở nhà lo toan hết. Cuộc sống vật chất thì có phần tạm ổn nhưng thiếu thốn tình cảm nên ai cũng mong lấy được người vợ hiền lành, chung thủy”, ông Dũng tâm sự.
Ông Dũng kể về chuyện một người đồng nghiệp bị vợ “cắm sừng” trong những ngày đi biển: “Cậu này đi làm có tiền thì vợ ở nhà lĩnh, xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ đạc. Một lần tàu cập cảng, anh này về thì thấy có người đàn ông khác trong nhà và vợ chìa ra đơn ly hôn”.
Để hạnh phúc được bền vững, nhiều thủy thủ đã chọn cách đi biển một thời gian kiếm tiền xây nhà, cưới vợ rồi chuyển nghề. Tuy nhiên, theo thuyền trưởng Dũng, cách “ăn xổi” này ảnh hưởng tới nguồn nhân lực nên các hãng tàu biển hiện siết chặt cơ chế tuyển dụng, có xu hướng “xính” những thủy thủ ở các vùng nông thôn vì họ chịu được áp lực, khó khăn và gắn bó với nghề.
Bình luận (0)