Phòng bệnh do nhiễm giun

17/10/2015 13:34 GMT+7

Bệnh giun ký sinh là bệnh rất phổ biến ở những nước đang phát triển nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trong đó có Việt Nam.

Bệnh giun ký sinh là bệnh rất phổ biến ở những nước đang phát triển nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trong đó có Việt Nam.

Bệnh gây nên nhiều tác hại khác nhau như thiếu máu, thiếu Vitamin, suy dinh dưỡng từ đó gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần cho người bệnh đặc biệt ở trẻ em ở độ tuổi đi học (trẻ em mầm non và học sinh tiểu học).
Ba trong số những loại giun nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam là giun đũa, giun tóc và giun móc/mỏ. Theo kết quả một cuộc điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương năm 2007 cho thấy, thực trạng nhiễm giun ở trẻ từ 2-5 tuổi rất đáng báo động. Tại một số tỉnh điều tra, tỷ lệ nhiễm giun lên tới 77,9% (Nghệ An), 76,4% (Thanh Hóa), 53% (Điện Biên), 54% (Lai Châu). Tỷ lệ nhiễm giun chung ở trẻ từ 2-5 tuổi là 34%. Đối với học sinh phổ thông, tỷ lệ nhiễm giun chung cũng chiếm 66,2% theo một cuộc điều tra đại diện năm 2007 của Bộ Y tế tại 11 huyện của 11 tỉnh trên cả nước.
Các bệnh giun ký sinh làm người bệnh bị suy dinh dưỡng, thiếu máu từ đó gây nên các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ảnh hưởng lớn đến trọng lượng cơ thể và sự phát triển về cả thể chất và tinh thần của trẻ. Hầu hết các trẻ bị nhiễm giun đều nhẹ cân hơn so với trẻ cùng lứa tuổi mà không bị nhiễm. Những trẻ bị nhiễm giun với cường độ lớn sẽ bị ảnh hưởng đến việc học tập do không đủ sức khỏe để đi học và thường xuyên bị mất tập trung trong lúc học tập do các tác hại của bệnh nhiễm giun..
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm giun phổ biến là do khả năng tiếp cận với điều kiện vệ sinh môi trường cơ bản còn thấp; người dân vẫn còn thực hiện các phong tục tập quán lạc hậu và thói quen sinh hoạt mất vệ sinh; việc thực hiện các hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như rửa tay với xà phòng, thực hiện ăn chín uống sôi, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn chưa được người dân quan tâm và thực hiện. Bên cạnh đó, thời tiết khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của trứng giun và ấu trùng trong môi trường đất và nước.
Hiện nay, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh tại các hộ gia đình nông thôn còn thấp. Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn năm 2014, vẫn còn khoảng gần 10% số hộ gia đình (khoảng 6 triệu người) đi tiêu bừa bãi ra ngoài môi trường.
Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh trên cả nước mới đạt 60%. Tập quán sử dụng phân tươi để bón ruộng vẫn còn phổ biến,...Đặc biệt, hiểu biết của người dân về các biện pháp phòng chống các bệnh giun truyền qua đất và ý thức thực hiện hành vi vệ sinh cơ bản như rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh còn kém.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực triển khai các hoạt động cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường, tuyên truyền giáo dục người dân thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân. Song nguy cơ phát sinh, phát triển dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa trong đó có các bệnh giun vẫn còn rất lớn.
Trong khi đó, công tác phòng chống các bệnh giun truyền qua đất hầu như đã bị lãng quên hoặc có triển khai thực hiện nhưng còn thiếu đồng bộ. Các dự án đã triển khai mới chỉ tập trung vào một nhóm đối tượng là trẻ em trong độ tuổi mầm non hoặc là học sinh tiểu học mà chưa có dự án nào triển khai đồng bộ trên cả hai nhóm đối tượng trên.
Một số dự án chủ yếu chỉ tập trung vào việc cấp phát thuốc tẩy giun cho học sinh và cộng đồng mà chưa quan tâm đến việc truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng. Chính vì vậy, sau một vài năm, một số dự án triển khai can thiệp cấp phát thuốc tại những vùng có tỷ nhiễm giun cao, tỷ lệ tái nhiễm vẫn cao.
Để phòng ngừa bệnh giun sán ký sinh, mọi hộ gia đình vệ sinh giữ gìn nhà ở, vườn tược sạch sẽ; không phóng uế bừa bãi ra ngoài môi trường; đảm bảo quản lý chặt chẽ phân - nước - rác. Mỗi gia đình cần có một hố xí hợp vệ sinh, đảm bảo xây dựng và sử dụng nhà tiêu đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không phóng uế bừa bãi và thực hiện hành vi rửa tay với xà phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.