Máy đo thân nhiệt không chạm, siêu nhanh thứ 3 - sản phẩm sáng tạo của tập thể giảng viên, sinh viên Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên hưởng ứng phong trào phòng chống dịch Covid-19, đã được trao tặng cho Bệnh viện A Thái Nguyên trong hôm nay, 27.3.
Thông tin này được chia sẻ trên trang Facebook của bệnh viện đã thu hút hàng chục lượt chia sẻ và rất nhiều lời khen tặng dành cho một sản phẩm sáng tạo, cũng như tấm lòng của nhóm tác giả sáng chế ra nó.
Trao đổi với Thanh Niên chiều nay, PGS - TS Vũ Ngọc Pi, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, cho biết ngay từ đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Giám hiệu nhà trường đã trăn trở và đặt hàng PGS - TS Phạm Thành Long, Trưởng bộ môn Cơ điện tử của trường, nghiên cứu triển khai.
|
Đến ngày 21.3, thầy Long cùng sinh viên trong khoa bắt tay thiết kế và sáng chế sản phẩm đầu tiên. “Sản phẩm đầu tiên được hoàn thành chỉ trong 3 ngày đêm và được lắp đặt ngay trong khu ký túc xá sinh viên nước ngoài của nhà trường”, thầy Pi nói.
Cũng theo thầy Pi, khi sản phẩm đầu tay chia sẻ trên Facebook cá nhân đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhiều người. Điểm độc đáo nhất ở thiết bị đo thân nhiệt này là không cần chạm trực tiếp vào máy như các thiết bị đo thân nhiệt hiện nay. Người đo chỉ cần đưa tay vào mắt đo thân nhiệt khi ở khoảng cách 3 cm máy sẽ tự động phát tín hiệu và trả kết quả trên màn hình sau 1 - 2 giây.
Sau sản phẩm đầu tiên lắp đặt tại trường, chiếc máy thứ hai được Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên lắp tặng Tỉnh đoàn Thái Nguyên sáng 26.3, là món quà ý nghĩa trong Ngày kỷ niệm 89 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. “Qua thử nghiệm và thực tế sử dụng, thiết bị có sai số trong khoảng 0,5 độ C nhưng đối với người sốt, có thân nhiệt cao, máy đo thành công, nhận diện chính xác”, thầy Pi nói.
|
Chia sẻ về thiết kế, thầy Pi cho biết, máy đo được sáng chế từ các cảm biến khoảng cách và cảm biến thân nhiệt. Còn vỏ thì được làm bằng các vật liệu sẵn có. Chi phí sản xuất 1 máy (không tính nhân công) chưa đến 2 triệu đồng. Nhưng hiện tại, linh kiện điện tử quan trọng nhất đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc, giá cao và khó mua được số lượng lớn.
Đây là sản phẩm của nhà trường góp phần phòng chống dịch Covid-19 nên toàn bộ chi phí sản xuất đều do các cựu sinh viên góp tiền ủng hộ.
Bình luận (0)