Phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện tốt thì bệnh nhân được hưởng lợi

19/03/2024 10:53 GMT+7

Phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện tốt thì bệnh nhân sẽ được hưởng lợi, giảm đề kháng kháng sinh, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí...

Thông tin trên do TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết tại hội thảo kiểm soát nhiễm khuẩn quốc tế do bệnh viện này tổ chức ngày 19.3. Hội thảo có chủ đề: Kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị trọng yếu và đáp ứng dịch tại cơ sở y tế.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, hiện nay tư duy, suy nghĩ của nhân viên y tế ở Việt Nam nói chung và Bệnh viện Chợ Rẫy về kiểm soát nhiễm khuẩn thật sự chưa đầy đủ và chưa đúng vai trò của nó. Nhưng để thay đổi cái nhìn về kiểm soát nhiễm khuẩn ở Việt Nam là không dễ.

Phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện tốt thì bệnh nhân được hưởng lợi- Ảnh 1.

Bệnh viện Chợ Rẫy đẩy mạnh vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn

NGỌC DƯƠNG

"Cứ nghĩ rằng bác sĩ mổ xong, lột đôi găng tay ra là thành công. Điều này là hoàn toàn sai, vì trước mổ, trong mổ và sau mổ thì vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng. Phải điều trị một cách toàn diện thì người bệnh mới giảm thiểu nhiễm trùng, người bệnh mới được hưởng lợi, giảm đề kháng kháng sinh, giảm chi phí và đảm bảo an toàn cho người bệnh. Phải thay đổi tư duy về kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình điều trị bệnh nhân và Bệnh viện Chợ Rẫy đề cao vấn đề này", TS-BS Nguyễn Tri Thức nói.

Bà Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng - dinh dưỡng - kiểm soát nhiễm khuẩn, Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết thêm, đến tháng 2.2014, cả nước có 96 bệnh viện tham gia giám sát và thực hiện báo cáo trong mạng lưới giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia. Kết quả có những báo cáo về nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu do vi sinh vật và đề kháng kháng sinh (kháng thuốc). Nhưng có khó khăn là số lượng khoa hồi sức tích cực tham gia chưa nhiều, chủ yếu là hồi sức tích cực nội. Các loại khoa khác tham gia với số lượng ít nên dữ liệu chưa đại diện được.

Cùng với đó, còn một số khó khăn trong triển khai dẫn tới chất lượng dữ liệu giám sát chưa ổn định ở tất cả các đơn vị. Tỷ lệ đề kháng kháng sinh có thể cao hơn thực tế do một số trường hợp nhiễm khuẩn được điều trị kháng sinh mà không có chỉ định nuôi cấy, do đó làm giảm tỷ lệ thật của các chủng còn nhạy cảm với kháng sinh…

Theo bà Kim Phượng, những năm qua đã chứng kiến sự xuất hiện và tái xuất hiện của nhiều bệnh dịch, từ dịch Covid-19 cho đến các bệnh do vi rút Zika, Ebola, và nhiều loại vi rút khác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và di chuyển quốc tế ngày càng tăng, sự bùng phát của những bệnh dịch này cùng với sự xuất hiện của các mầm bệnh mới và kháng thuốc không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới mà còn gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội. Việc giám sát nhiễm khuẩn và phản ứng kịp thời trước các dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế và mỗi cá nhân.

"Xin được nhấn mạnh, thành công của công tác giám sát nhiễm khuẩn và ứng phó dịch bệnh không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của một cá nhân hay một tổ chức nào, mà cần sự chung sức, đồng lòng và hợp tác chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan, từ cấp địa phương đến quốc tế", bà Kim Phượng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.