Phòng, chống tham nhũng ở tỉnh

13/05/2022 05:42 GMT+7

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 vừa công bố cho thấy, chưa tới 70% người dân ở tất cả các tỉnh, thành tin chính quyền địa phương đã thực sự nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng.

Ở gần một nửa số địa phương, số người tin vào sự nghiêm túc của chính quyền trong phòng, chống tham nhũng là dưới 50%.

Điều này không có gì là bất ngờ. Chính khảo sát trong báo cáo PAPI 2021 cũng cho thấy, 40 đến 90% người dân ở hơn 40 tỉnh, thành phố đã phải chi “lót tay” để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Càng ở các tỉnh nghèo như Cao Bằng, Sóc Trăng, Đắk Lắk, tình trạng này càng phổ biến.

Bên cạnh đó, tình trạng dựa vào tiền tệ và quan hệ để trở thành “người nhà nước”, với những công việc như cán bộ ở UBND xã, phường hay thậm chí là giáo viên tiểu học, vẫn khá phổ biến. Từ 40% đến 80% người dân ở 40 tỉnh, thành phố trên cả nước cho biết họ vẫn phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn ở các bệnh viện nhà nước…

Đáng nói là những tỷ lệ cao tới mức “đáng buồn” này đã kéo dài từ 13 năm nay, kể từ khi Báo cáo PAPI được công bố lần đầu tiên vào năm 2009. Và báo cáo của năm 2021 vừa được công bố cho thấy các tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với năm 2020. Sự cải thiện của chính quyền địa phương trong kiểm soát tham nhũng dường như không đáng kể, trong khi nhận thức và đòi hỏi của người dân về quyền giám sát và làm chủ đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua.

Tham nhũng vặt vẫn như ngứa ghẻ; việc phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực từ nội bộ, cơ sở vẫn yếu; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”…

Có lẽ đó chính là một trong những lý do mà Hội nghị T.Ư 5 vừa qua, T.Ư Đảng đã thống nhất rất cao và 100% các địa phương cũng đã đồng ý lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh theo mô hình của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu. Kỳ vọng của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh là tạo nên sự “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Sự cần thiết là không cần bàn cãi. Song, vấn đề cốt yếu, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là quy chế hoạt động ra sao, lựa chọn nhân sự thế nào để cơ quan này hoạt động thực sự nghiêm túc và hiệu quả, như cách Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm trong 10 năm qua. Bởi lẽ, việc T.Ư phải xử lý “cả dây” 2 - 3 đời bí thư, chủ tịch tỉnh như vừa qua cho thấy, sự “cát cứ”, “cua cậy càng, cá cậy vây” hay “lợi ích nhóm” ở các địa phương là không thể xem nhẹ. Và quan trọng hơn, tham nhũng, tiêu cực dù ở cấp nào, về bản chất cũng là như nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.