Phòng cúm A/H5N1 lây lan từ chim yến: Cần hỗ trợ thỏa đáng cho người nuôi yến

24/04/2013 03:00 GMT+7

Cách tiêu diệt yến hiện nay sẽ khiến người nuôi yến thiệt hại nặng nề, lâu dài, thậm chí phá sản bởi đuổi yến đi thì dễ nhưng "dụ" yến về lại cực kỳ khó khăn.

Phòng cúm A/H5N1 lây lan từ chim yến: Cần hỗ trợ thỏa đáng cho người nuôi yến
Cơ quan thú y tiến hành tiêu hủy đàn chim yến - Ảnh: Thiện Nhân

Nghề nuôi yến hiện nay đang mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, đồng thời đã xây dựng được thương hiệu yến VN. Việc đàn yến tại cơ sở nuôi rạp Thanh Bình (Ninh Thuận) bị tiêu hủy hết gần một nửa là điều hết sức đáng tiếc, gây ảnh hưởng đến ngành nuôi yến và cả thương hiệu yến VN trên thị trường thế giới. Số chim yến còn lại chắc chắn sẽ không về nơi ở cũ mà bay tá túc khắp nơi. Ông Lavernt Chen, chuyên gia về yến của Malaysia, nhận định: “Sau khi tiêu hủy đàn yến, việc dẫn dụ yến trở lại coi như được làm từ đầu và xác suất thành công rất thấp”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Đối với đàn gia súc, gia cầm bị dịch bệnh phải tiêu hủy được hỗ trợ theo mức quy định, tương đương 70% giá trị thương phẩm của người nuôi bán ra thị trường. Tuy nhiên, đối với chim yến nuôi hiện chưa có quy định cụ thể về mức hỗ trợ”. Theo một cán bộ lãnh đạo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, ngành đang lúng túng trong việc đưa ra mức hỗ trợ hợp lý cho người nuôi. Đây là nghề rất đặc thù, người nuôi yến không tốn các khoản chi phí về con giống, thức ăn nhưng mức đầu tư để xây dựng một ngôi nhà yến, trang thiết bị để “dụ” yến về xây tổ thì rất cao, từ 1-2 tỉ đồng. Trong thời gian từ 1 - 3 năm, nếu “dụ” được khoảng 1.000 con về ở thì lợi nhuận thu hoạch từ tổ yến có thể cao hơn so với các nghề chăn nuôi khác. Và ngược lại, nếu không “dụ” được chim yến về ở thì xem như thất bại. Mỗi con chim yến có trọng lượng khoảng 10 gr. Nếu áp dụng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành đối với đàn gia cầm thì rất “khó” cho người nuôi yến. Được biết, ngày 17.4, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, giải quyết chủ trương, chính sách hỗ trợ đối với đàn chim yến bị dịch bệnh phải tiêu hủy nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.

Ông Võ Đắc Danh, một người nuôi chim yến ở huyện Nhà Bè (TP.HCM), nói: “Nếu chỉ vì phát hiện cúm trên quy mô nhỏ lẻ một vài hộ nuôi mà chúng ta tiêu hủy hết cả thì rất lãng phí và thiệt thòi cho các hộ nuôi khác. Việc tiêu diệt hết đàn chim yến sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nghề này trong thời gian tới. Theo thông tin tôi được biết, cả nước chỉ có duy nhất ngôi nhà yến (rạp hát Thanh Bình - Phan Rang) bị nhiễm H5N1, các ngôi nhà xung quanh thì không. Đặc biệt, dù chim yến chết trong ngôi nhà này bị nhiễm vi rút nhưng chim sống vẫn âm tính. Như vậy mà đem xử lý toàn bộ đàn chim yến thì chưa dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng và hết sức nóng vội”.  

100% mẫu tổ yến âm tính với cúm A/H5N1

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống đại dịch cúm ngày 23.4, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết 145 mẫu tổ yến để xét nghiệm cho kết quả 100% âm tính với cúm A/H5N1. Với phân chim, đã lấy 120 mẫu phân chim yến xét nghiệm, 1 mẫu dương tính với cúm A/H5N1. Giám sát cho thấy 100% mẫu chim yến chết có dương tính với cúm A/H5N1. Đã tiêu hủy 10.000 chim yến, 167 kg tổ yến đã thu gom xử lý nhiệt. Sử dụng vôi bột, các loại thuốc khử trùng để xử lý toàn bộ khu vực có dịch trên đàn chim yến. Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm có dương tính với H5N1 gửi sang Úc, Hàn Quốc để giải trình tự gien xem vi rút này có biến thể hay không. 

Liên Châu

Q.Thuần - T.Nhân - C.Nhân

>> Phòng cúm A/H5N1 lây lan từ chim yến: Không ai làm như ta là diệt tất tần tật!
>> Chưa có phương án phòng dịch cho chim yến
>> Ninh Thuận tiêu hủy đàn chim yến lớn nhất Đông Nam Á
>> Đề nghị công bố dịch cúm tại cơ sở có chim yến bị nhiễm H5N1
>> Chưa phát hiện vi rút H5N1 trên chim yến sống

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.