Phòng dịch Covid-19: 'Siết' các biểu hiện lơi lỏng

11/11/2020 10:39 GMT+7

Một số địa phương phía Bắc đã thống kê có đến 50% số người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng. Yếu tố chủ quan cũng xuất hiện tại Đà Nẵng (tâm dịch Covid-19 lần thứ 2) nên địa phương đang 'siết'...

"Quên" khẩu trang

Nhiều tháng nay, chị Nguyễn Thị Hoàn Phương (Q.Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) vẫn duy trì thói quen đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 khi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng. Tuy nhiên, chị thực sự lo lắng khi thấy những người xung quanh bắt đầu chủ quan.
“Tôi vào chợ truyền thống, thấy rất nhiều tiểu thương không đeo khẩu trang, dù họ liên tục được các thành viên ban quản lý chợ nhắc nhở. Tôi chọn mua hàng của những tiểu thương có đeo khẩu trang, để vừa cổ vũ họ vừa ghi nhận ở họ biết quan tâm đến sức khỏe của bản thân và cộng đồng”, chị Phương chia sẻ.
Không thể để cho người dân chủ quan, nhất là khi xuất hiện “tâm thế ỷ y” sau nhiều ngày không có ca mắc ở cộng đồng
BS CK2 Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng
Ở các chợ truyền thống, ngoài một số tiểu thương không mang khẩu trang, rất nhiều người dân cũng "quên" đeo và thậm chí vô tư tụ tập, không giữ khoảng cách. “Không ít người thậm chí còn lấy cớ Đà Nẵng chống dịch tốt, khống chế dịch hiệu quả nên càng chủ quan, dù chúng tôi thường xuyên nhắc nhở”, ông Trần Phước Cường (Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng) nói.
Người đi mua hàng đeo khẩu trang, còn một số tiểu thương thì lại “quên” ẢNH: AN DY

Người đi mua hàng đeo khẩu trang, còn một số tiểu thương thì lại “quên”

ẢNH: AN DY

Ở các trường học cũng bắt đầu xuất hiện những phụ huynh đến trường đón con không mang theo khẩu trang khi vào trường. “Cũng có lúc nhớ mang, lúc lại quên vì thấy cũng lâu rồi không có ca mắc mới ở cộng đồng. Đà Nẵng đang kiểm soát tốt dịch mà!”, một phụ huynh đứng đón con ở Trường Tiểu học Núi Thành (Q.Hải Châu) giải thích lý do mình không đeo khẩu trang.

Không ngừng truyền thông

Từ cuối tháng 9, toàn TP.Đà Nẵng chuyển trạng thái hoạt động bình thường, các hoạt động xã hội, kinh tế, văn hóa đã dần tái khởi động ở quy mô cho phép. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người dân được phép lơ là, chủ quan. BS CK2 Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cũng khẳng định với PV Thanh Niên là phải liên tục tăng cường truyền thông. “Chứ không lơ là được đâu! Không thể để cho người dân chủ quan, nhất là khi xuất hiện "tâm thế ỷ y" sau nhiều ngày không có ca mắc ở cộng đồng”, bà Thủy chia sẻ.
Hiện tại, các cơ sở y tế tại Đà Nẵng duy trì việc truyền thông chống dịch từng ngày cho các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi đến các cơ sở y tế khám, điều trị bệnh, duy trì nguyên tắc 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế). Sở Y tế cũng phối hợp với các lĩnh vực giáo dục, công thương, du lịch, dịch vụ để tuyên truyền, nhắc nhở... tùy theo từng lĩnh vực ngành nghề và đối tượng tiếp xúc.
Trưng tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Đà Nẵng cũng sẽ cân nhắc thực hiện xét nghiệm bằng các phương pháp xét nghiệm phát hiện vật chất di truyền (ARN) hoặc phát hiện kháng nguyên vi rút để xác định nhiễm SARS-CoV-2. Tùy điều kiện có thể xem xét xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể phục vụ điều tra, đánh giá dịch tễ, miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt, khi Đà Nẵng bước vào giai đoạn “Chỉ phát hiện ca mắc ở nước ngoài về, không có ca mắc trong cộng đồng”, địa phương triển khai chia nhóm các đối tượng ưu tiên xét nghiệm. Có 3 nhóm cụ thể: nhóm có triệu chứng, nguy cơ trực tiếp; có triệu chứng bệnh đường hô hấp, nhân viên tham gia phòng chống dịch, nhóm nghi ngờ, nguy cơ cao; nhóm bệnh nhân yếu thế, tiềm ẩn khả năng mắc mắc bệnh (sau khi nhóm 1 và 2 đã hoàn tất xét nghiệm).
Ngoài ra, Đà Nẵng triển khai mô hình bệnh viện (BV) an toàn trong phòng chống Covid-19 và các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp với 37 tiêu chí, hiện Sở Y tế đã phối hợp rà soát, kiểm tra tại 21 BV trên địa bàn. “Căn cứ theo bộ tiêu chí, các BV tại Đà Nẵng đã và đang làm từng bước để hướng đến BV an toàn. Trước tiên là phân luồng khám bệnh, hạn chế ở mức tối đa tình trạng thăm bệnh tại BV. Mỗi bệnh nhân chỉ có 1 người nhà chăm nuôi, tùy vào đặc thù bệnh, tình trạng bệnh”, bà Trần Thanh Thủy nói thêm.

Chủ động dự trữ hàng hóa

Ngày 10.11, Sở Công thương TP.Đà Nẵng cho biết đã yêu cầu Công ty quản lý và phát triển các chợ, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... tăng cường các giải pháp chống dịch Covid-19. Trong đó, ngoài công tác truyền thông và phương án chống dịch tại cơ sở, các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất, phương tiện, vật tư phục vụ công tác chống dịch; liên tục đánh giá mức độ đảm bảo và an toàn để khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót. Đối với hàng hóa, Sở Công thương yêu cầu có kế hoạch dự trữ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân khi dịch bệnh quay trở lại.
Nguyễn Tú 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.