Sáng 14.6, Quốc hội thảo luận về luật Công an nhân dân sửa đổi. Vấn đề cấp bậc hàm cao nhất của sĩ quan công an trong lực lượng công an nhân dân tiếp tục nhận được nhiều tranh luận của các đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc thăng hàm cấp tướng đã và đang thực hiện theo quy định, nhưng dư luận vẫn còn ý kiến khác nhau.
“Có ý kiến cho rằng, sao trong thời bình mà tướng nhiều thế?”, ông Tạo nêu và cho biết, ngay trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, cũng chưa có nhiều tướng như vậy.
“Đặc biệt từ những năm 2000 trở lại đây, số lượng tướng trong lực lượng vũ trang nói chung và ngành công an nói riêng đã tăng lên nhiều. Nhiều cán bộ lão thành trong lực lượng vũ trang đã có ý kiến”, ông Tạo nói và đề nghị cần hạn chế việc phong hàm nhanh và nhiều như thời gian qua.
“Có lúc, chúng ta đã thực hiện việc phong hàm quá nhanh, nhiều lượt trong một năm, nhưng chất lượng đội ngũ tướng lĩnh là điều cần phải suy nghĩ. Cử tri đang băn khoăn vì một số cán bộ tướng lĩnh vi phạm pháp luật trong thời gian qua”, ông Tạo nói.
Góp ý cụ thể về quy định của dự luật về cấp hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh là thiếu tướng, ông Tạo cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo nên sự vênh nhau giữa công an và quân đội, khi giám đốc công an là thiếu tướng, còn chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lại là đại tá.
“Điều này xem chừng bất hợp lý và khập khiễng trong tác chiến quân sự. Để đảm bảo cân bằng thì chúng ta phải sửa đổi luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014 để thăng quân hàm cấp tướng cho chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Nhưng nếu sửa luật và phong quân hàm cấp tướng nhiều hơn thì dư luận, cử tri sẽ không ủng hộ”, ông Tạo lưu ý.
Đề xuất tất cả giám đốc công an tỉnh là thiếu tướng
Trong khi đó, ĐB Lê Tấn Tới (Bạc Liêu) lại đề xuất không nên chỉ quy định phong hàm thiếu tướng cho giám đốc công an các tỉnh, thành phố được phân loại tỉnh, thành phố loại 1 như trong dự thảo, mà nên quy định tất cả giám đốc công an tỉnh đều có quân hàm cao nhất là thiếu tướng.
Giám đốc công an tỉnh Bạc Liêu lập luận: Hiện nay, cả nước có 11 tỉnh, thành phố được phân loại là đơn vị hành chính loại 1, đồng nghĩa là chỉ có 11 địa phương có giám đốc công an tỉnh được phong hàm cấp tướng theo dự Luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các tỉnh thành phố đạt tiêu chuẩn loại 1 đa số là các tỉnh có tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp nhưng không có nghĩa là phức tạp hơn các tỉnh khác. Ngoài ra, tỉnh thành nào cũng có địa bàn chiến lược, khu vực xung yếu, phức tạp về an ninh trật tự.
Cũng theo ông Tới, hiện nay, cục trưởng các cục trong ngành công an và giám đốc công an tỉnh đều được quy hoạch là thứ trưởng. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa cấp hàm hiện nay giữa cục trưởng và giám đốc công an tỉnh đang tạo ra mâu thuẫn trong luân chuyển cán bộ trong ngành công an.
“Cục trưởng cấp tướng mà luân chuyển về địa phương thì sai lệch. Ngược lại, giám đốc công an tỉnh mà luân chuyển làm cục trưởng thì bất hợp lý, vì đại tá không thể lên ngay thiếu tướng”, ông Tới nêu và đề nghị quy định theo hướng giám đốc công an tỉnh được phong cấp hàm cao nhất là thiếu tướng, vì cho rằng điều này không làm tăng số lượng cấp tướng trong ngành công an.
Trong khi đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị cân nhắc phong quân hàm gắn liền với chức vụ, để hạn chế và có thể bãi bỏ tình trạng cứ “đến hẹn lại lên”, dần dần tránh việc phong quân hàm gắn với tiền lương.
“Ở Hà Nội tôi biết có đội trưởng mang quân hàm đại úy, nhưng cấp dưới lại có mấy trung tá. Anh em rất tâm tư khi có đại uý lãnh đạo, còn trung tá phải ra ngoài đường giải quyết công việc”, ông Nhưỡng dẫn chứng.
Đại biểu tỉnh Bến Tre cũng đề xuất cần quy định rõ trong luật số vị trí quân hàm cấp tướng, tránh phong tướng lên xong điều đi chỗ khác, rồi lại một người khác vào theo kiểu “điền vào chỗ trống”.
Bình luận (0)