Phòng ngừa nhiễm giun đũa chó mèo

14/08/2024 07:04 GMT+7

Dưới da bàn tay bỗng xuất hiện những vệt dài loằng ngoằng, nổi gồ, dài đến 8 cm. Bệnh nhân không ngờ nguyên nhân đến từ sinh hoạt thường ngày.

Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) tiếp nhận điều trị bệnh nhân (BN) nữ (42 tuổi, ở Vĩnh Phúc) nhập viện hôm 30.7 trong tình trạng ngứa sẩn khắp cơ thể. Đặc biệt, tại lòng và mu bàn tay trái BN xuất hiện vệt dài loằng ngoằng, nổi gồ, dài 5 - 8 cm.

Qua thăm khám, BN cho biết đang nuôi 3 con chó và 5 con mèo tại nhà. Do đó, các bác sĩ chỉ định BN xét nghiệm ký sinh trùng và xét nghiệm kháng thể dị ứng. Kết quả xác định BN dương tính với giun đũa chó mèo (toxocara spp).

Phòng ngừa nhiễm giun đũa chó mèo- Ảnh 1.

Phòng ngừa nhiễm giun đũa chó mèo- Ảnh 2.

Giun đũa chó mèo ký sinh, di chuyển dưới da người bị nhiễm ấu trùng

THANH NGUYỄN

Các bác sĩ xác định vệt loằng ngoằng nổi gồ trên tay BN chính là do sự di chuyển của ấu trùng giun đũa chó mèo dưới da.

Sau điều trị, BN hết ngứa, vết ban do giun trên tay liền sẹo. BN xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định và được hẹn tái khám sau 1 tháng để xét nghiệm lại kháng thể giun đũa chó mèo.

TS Vũ Minh Điền, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết giun đũa chó mèo là ký sinh trùng thường gặp ở chó và mèo. Chúng có khả năng lây nhiễm sang người qua đường tiêu hóa. Khi con người tiếp xúc với đất hoặc nước bị nhiễm trứng giun (từ phân chó, mèo), trứng giun có thể xâm nhập vào cơ thể qua miệng và phát triển thành ấu trùng. Những ấu trùng này di chuyển qua các mô cơ thể, gây ra nhiều triệu chứng, phổ biến nhất là ngứa, nổi sẩn và các ban trên da.

Phòng khám đa khoa Medlatec (Hà Nội) mới đây cũng tiếp nhận nữ BN 58 tuổi (ở Hòa Bình) tới khám trong tình trạng ngứa kèm mề đay nổi toàn thân. Tình trạng đã kéo dài khoảng 1 năm qua. BN cũng đã đi khám nhiều nơi và điều trị nhiều đợt với nhiều loại thuốc khác nhau nhưng tình trạng sẩn ngứa, mề đay vẫn tái đi tái lại nhiều lần.

Tại phòng khám Medlatec, sau khi thực hiện khám lâm sàng và làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ, BN được chẩn đoán xác định mắc ban mề đay mạn tính do nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo. BN được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú, tư vấn vệ sinh ăn uống, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp và hẹn lịch tái khám.

Để phòng ngừa hiệu quả, quan trọng nhất là tuân thủ nguyên tắc vệ sinh trong ăn uống, thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh cá nhân, môi trường.

Các bác sĩ cho biết, triệu chứng lâm sàng khi nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo thường mờ nhạt, không đặc hiệu. Ở một số người có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, dị ứng, sẩn ngứa, mề đay, đau nhức cơ, đau cơ, ậm ạch, đầy bụng, khó tiêu… Ấu trùng giun đũa chó mèo cũng có thể ký sinh, gây tổn thương ở gan, phổi, hệ thần kinh, mắt.

Để phòng ngừa hiệu quả, quan trọng nhất là tuân thủ nguyên tắc vệ sinh trong ăn uống, thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh cá nhân, môi trường, các bác sĩ lưu ý.

Bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là một bệnh giun sán phổ biến. Tác nhân gây bệnh là giun đũa chó (toxocara canis) và giun đũa mèo (toxocara cati). Toxocara trong đường tiêu hóa của chó mèo. Các giun này đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường, sau 1 - 2 tuần trứng sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng.

Sau khi trứng vào cơ thể, ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột, theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót và gây tổn hại các mô cơ thể người trong nhiều tháng trước khi bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt hoặc khiến chúng ngừng phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.