Văn bản được đóng dấu hỏa tốc của UBND tỉnh Quảng Bình truyền đi ngay khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Lệnh ban: Kể từ 12 giờ ngày 7.5 tạm dừng hoạt động tham quan, du lịch tại các khu, điểm tham quan du lịch, các di tích, danh thắng có khả năng tụ tập đông người trên địa bàn tỉnh, gồm: động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối, vườn thực vật, thung lũng Hava, công viên Ozo Treetop...
Toàn những hang động, điểm đến hàng đầu và đẳng cấp tầm thế giới. Thêm một lần nữa, những địa chỉ vàng này lại phải tạm dừng hoạt động bởi cơn lốc mang tên Covid-19.
|
Những vị khách cuối cùng
Chỉ nghe thôi cũng thấy buồn. Sáng 7.5, tôi quyết định đến Phong Nha như trở lại với cố nhân, để xem con người và miền đất di sản ấy trở mình như thế nào trước những biến cố lớn của thời cuộc.
Trước thời khắc đóng cửa mấy tiếng đồng hồ, đường Hồ Chí Minh dẫn lên thị trấn Phong Nha vắng hoe. Lối vào trung tâm thị trấn - trung tâm của dịch vụ du lịch trong vùng - cũng không một bóng xe cộ. Vào sâu bên trong, bóng dáng thị tứ hiện ra với khách sạn, nhà nghỉ cao tầng, hàng quán, bảng biển ken nhau san sát hai bên. Nhưng vẫn là khung cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”. Hình ảnh hoàn toàn trái ngược với ngày thường, nhất là thời gian đang vào mùa cao điểm của du lịch Quảng Bình.
Sân khuôn viên bến thuyền đưa khách đi động Phong Nha, động Tiên Sơn trống trơ. Dưới bờ sông, lác đác vài chiếc thuyền chở khách neo đậu. Một nhóm nhỏ khách nói giọng miền Nam đang xuống thuyền để đi tham quan động Phong Nha. Đó là những vị khách cuối cùng trước khi đóng cửa động.
Một thanh niên đạp xe đến hỏi thăm và mời tôi ghé lại nhà hàng cách đó chừng 200 m để ăn cơm trưa. Tôi hỏi:
- Mấy bữa nay có khách không em?
- Bữa lễ cũng đông anh à.
Hai ngày nay vắng quá. Tới đây đóng cửa động, lại đói.
Nói rồi cậu ta đạp xe đi.
Lặng lẽ.
Các quầy hàng bán đồ lưu niệm của người dân địa phương ở trong bến thuyền đã nghỉ từ ngày 6.5, để lại những gian nhà trống trải. Đâu đó, nhân viên mặc đồng phục xanh của Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (trung tâm) rảnh rỗi như chưa từng. Người ngồi bấm điện thoại, kẻ ngồi nhìn sông Son...
Ông Vương, nhân viên kiểm soát vé của trung tâm, thở dài: “21 năm làm ở đây, chưa khi nào đìu hiu như lúc này. Hết đợt dịch này đến đợt dịch kia hoành hành. Mấy ngày lễ mới đây, khách đông trở lại, anh em vừa vui mừng thì nay đã ảm đạm”.
Cũng trong buổi sáng 7.5, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tổ chức họp. Có lẽ do biến động lớn trong hoạt động, nhiều vấn đề cần phải bàn nên mãi đến gần 12 giờ cuộc họp mới kết thúc. Chiều cùng ngày, trung tâm cũng họp để bàn bạc các phương án sắp tới.
Có thể nói, lần tạm dừng này gần như làm tê liệt hoạt động và mọi nguồn thu của trung tâm. Bởi động Phong Nha, động Tiên Sơn, suối Nước Moọc, sông Chày - hang Tối đều đang được trung tâm này khai thác, vận hành. Không có nguồn thu, việc đảm bảo ổn định cho bộ máy nhân sự 150 người của trung tâm không hề đơn giản. Cũng vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 mà trước đây đã xảy ra mất đoàn kết nội bộ, khiếu nại do trung tâm cho một số nhân viên nghỉ việc.
Ông Hoàng Minh Thắng, người vừa ngồi ghế “nóng” giám đốc trung tâm hơn 1 tháng, tỏ ra quyết tâm chèo lái con thuyền đang tròng trành. Ông bảo, vì tạm dừng nên công việc của cán bộ, nhân viên được thực hiện theo như kế hoạch trước. Nghĩa là giữ nguyên bộ máy, những nhân lực hợp đồng được cắt giảm 50% thời gian làm việc. Còn kinh phí, vừa qua có hoạt động nên tích lũy được một số để trang trải và trung tâm đang xây dựng kế hoạch nếu dịch tiếp tục căng thẳng, tạm dừng việc tham quan kéo dài.
Không còn phục vụ khách, giờ cán bộ nhân viên chỉ chú tâm bảo vệ, duy tu, vệ sinh hang động cùng những tài sản khác. Họ sẵn sàng phục vụ trở lại bất cứ lúc nào.
|
Càng đẹp lại càng buồn
Phong Nha - Kẻ Bàng đã tạo nên sự khác biệt của Quảng Bình nói riêng và VN nói chung trên bản đồ du lịch thế giới. Rất nhiều người hưởng lợi từ đó. Ngay tại Phong Nha, du lịch như một luồng gió làm thay đổi diện mạo miền đất này và phát triển “nóng” trong những năm gần đây. Từ một miền quê heo hút, nghèo khó, Phong Nha đã trở nên sầm uất, được nâng lên thành thị tứ.
Từ chỗ sống bám rừng, trong guồng quay ấy, người dân Phong Nha cũng bỏ rừng, xoay xở mọi cách để làm dịch vụ, kiếm kế sinh nhai. Khởi phát, đa số bà con sắm đò chở khách đi động Phong Nha, động Tiên Sơn.
Kể ra, cả khi có khách, thu nhập từ lái đò chỉ gọi là có “đồng vô đồng ra”. Mỗi nguồn mỗi ít chứ không đáng bao nhiêu, nhất là so với nhu cầu chi tiêu, giá cả sinh hoạt bây giờ. Vậy nên ngày càng nhiều người làng Na không bám trụ nổi, họ tìm cách mưu sinh khác như xuất khẩu lao động hay vào miền Nam làm thuê.
Về sau, khi khách đến Phong Nha nhiều, nhất là khách quốc tế, khá nhiều người dân ở khu vực trung tâm Phong Nha gom góp, vay mượn đầu tư homestay, xây mới các cơ sở lưu trú trị giá nhiều tỉ đồng. Và bi kịch bắt đầu từ đây. Nhiều hộ dân trở thành “con nợ” tiền tỉ. Vì kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu kiến thức và kỹ năng thu hút nên không ít cơ sở homestay lâm cảnh ế ẩm, trong khi nợ gốc lãi vay cứ ập đến mỗi tháng.
Trải qua “năm Cô vít” 2020, nhiều chủ homestay gần như đã kiệt quệ. Ai nấy kỳ vọng vào mùa du lịch 2021 có thể “sống” lại. Vậy nhưng... “Quá nan giải, quá khó khăn! Cứ đà này thì bà con ở đây không thể cầm cự nổi”, ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss tại TT.Phong Nha, lo ngại.
Tôi và ông Dũng ngồi bên dòng Son. Sông nước hữu tình, nắng vàng và gió mát. Thời tiết quá thuận lợi để tham quan, thăm thú. Không chỉ người Phong Nha mà phàm ai làm du lịch đều mong chờ thời gian này trong năm. Nhưng càng đẹp lại càng buồn, bởi thiếu vắng bóng dáng lữ khách.
Nhìn xuống dòng Son, ông Dũng chùng giọng: “Bình thường, thuyền bè ngược xuôi tấp nập, rộn rã dòng sông. Còn giờ, không một bóng thuyền chạy. Nhờ du lịch chứ không là không có lối thoát, bí thế, sợ sắp tới những hộ kinh doanh sẽ vỡ trận”.
Tôi nhìn sang bên kia bờ, thuyền chở khách đậu thành từng dãy. Nơi ấy, làng Na vẫn im lìm trong nghèo khó. Không biết tới đây, người làng Na sẽ vật lộn với cuộc sống hằng ngày thế nào...
Để giải được bài toán này không hề đơn giản. Như Jungle Boss, đơn vị khai thác các tour tuyến giới hạn và không phải tạm dừng (như hố sụt Kong, hang Pygmy, hang Hổ, hang Over, hang Trạ Ang...) cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Khách giảm sút, nhân viên cắt giảm, nhiều porter (người vận chuyển) địa phương phải tìm việc khác như theo nghề phụ hồ.
Cố tìm thêm xem có “con đường” nào sáng không, tôi đến gặp ông Nguyễn Châu Mỹ, quản lý của Oxalis. Lại cũng chỉ nghe những câu chuyện, con số không vui: năm 2019 bán kín tour năm 2020, nhưng do dịch, khách hủy gần như 100% vì khách chủ yếu là quốc tế. “Ý tưởng sản phẩm mới thì nhiều nhưng không triển khai được vì tình hình dịch bệnh”, ông Mỹ nói.
Và có lẽ, nốt trầm rõ nhất của ngày Phong Nha không đón khách hiện hữu qua câu trả lời của ông Lê Thanh Lợi (nguyên giám đốc trung tâm). Khi tôi gọi điện thoại, ông trầm giọng: “Hôm qua buồn nên anh em uống nhiều quá, giờ dậy không nổi”. Trong khi, lẽ ra ông đang phải dầm nắng trên những tuyến điểm hấp dẫn như Ozo, Hava.
Bình luận (0)