Phóng sinh bi hài: Động lòng từ bi, tôn trọng sự sống và xem đó không phải trào lưu

23/09/2022 19:01 GMT+7

Phóng sinh là khi đi trên đường, ra chợ, chúng ta tình cờ gặp con vật đang bị giam cầm, động lòng từ bi và trong khả năng tài chính có thể, mình mua rồi trả tự do cho nó ở môi trường sống phù hợp.

Theo TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), phóng sinh không phải theo trào lưu, thấy người ta đi dịp này, dịp kia mình cũng đi theo. Vì sẽ vô tình làm “có cung, có cầu”. Vậy phóng sinh thế nào mới là đúng?

Phóng sinh là gì?

TS Dương Hoàng Lộc cho biết, phóng sinh xuất phát từ ý nghĩa bảo vệ, tôn trọng sự sống muôn loài trong đạo Phật, cứu sinh mạng chúng sinh trước sự giam cầm, giết hại. Rộng hơn, phóng sinh còn là tâm chúng ta phóng thả những người mình oán hận, thù ghét, người mình không ưa ra khỏi tâm trí. Không để mang trong mình tâm lý thù ghét, oán hận.

Phóng sinh phải tôn trọng sự sống muôn loài
vũ phượng

Phóng sinh trong Phật giáo Bắc tông trở thành một nghi thức, người tu hành thường quy y, hồi hướng công đức cho các loài vật trước khi phóng sinh, hồi hướng công đức cho những người phát tâm phóng sinh.

Phóng sinh ở Việt Nam thường được thực hiện nhiều vào tháng Giêng, Phật Đản, Vu Lan vì theo quan niệm đây là những ngày rằm quan trọng, mọi người thường tích lũy công đức, làm nhiều việc phúc đức, trong đó có cúng dường, phóng sinh, bố thí.

Ngày nay, nhiều người phát tâm phóng sinh đã quan tâm hơn đến việc phóng sinh thế nào cho có ý nghĩa, để động vật được phóng sinh có thể tự sống được, môi trường động vật được thả cũng không bị xáo trộn.

Phóng sinh xuất phát từ ý nghĩa bảo vệ, tôn trọng sự sống muôn loài trong đạo Phật

vũ phượng

Ngoài ra, nhiều chùa cũng tổ chức phóng sinh quy mô, chọn địa điểm thả phù hợp, loại cá phù hợp, không có người chích điện với sự tham gia của đông đảo Phật tử.

Quan trọng là tâm

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, nhiều người tự đi phóng sinh, nhưng cũng có những người mời những người tu hành đi phóng sinh cùng. Xét về ý nghĩa, thì dù phóng sinh theo hình thức nào cũng là mong muốn trả tự do cho con vật đó.

Nhưng khi có người tu hành đi cùng thì có thể quy y cho cá, cho chim, cho loài vật được phóng sinh, đọc kinh hồi hướng công đức. Từ đó, người ta tin rằng giá trị tâm linh tăng lên khi có người tu hành cùng đi phóng sinh.

Nhiều người phát tâm phóng sinh đã quan tâm hơn đến việc phóng sinh thế nào cho có ý nghĩa

vũ phượng

Tuy nhiên, TS Dương Hoàng lộc lưu ý, nếu phóng sinh vào những dịp đặc biệt theo số đông thì dễ vô tình tạo nên hiệu ứng có cầu có cung.

Ông lấy ví dụ: “Một người đến gặp người bán nói 500 kg cá hay 1.000 con chim phóng sinh thì nguồn này ở đâu ra? Đương nhiên là người bán phải đặt với mối để đánh bắt, săn, bẫy… Điều này có thể tạo thành “nghề” cho những người chuyên đi bẫy để phục vụ phóng sinh, trái với đạo lý nhà Phật. Giá trị căn bản nhất của phóng sinh trong tâm của mỗi người. Chúng ta phải giải thoát khỏi u sầu, thù hận”.

Phóng sinh không nên phóng sinh theo mùa, theo trào lưu
vũ phượng

Do đó, TS Dương Hoàng Lộc đưa ra lời khuyên, người phóng sinh không nên phóng sinh theo mùa, theo trào lưu. Thay vào đó, khi đi trên đường, ra chợ tình cờ gặp con vật đang bị giam cầm, chúng ta động lòng từ bi nên mua để trả tự do cho nó.

Trước khi trả tự do, người phóng sinh cũng phải xem thả ra nó có tự sống được không, có ảnh hưởng đến các loài vật khác hay hệ sinh thái mà chúng ta thả hay không. Tóm lại, phóng sinh phải tôn trọng sự sống của muôn loài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.