Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Tuyên Quang đang điều trị cho 8 trường hợp bị bỏng do nước sôi, chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhi Chẩu Khải P. (3 tuổi, trú H.Lâm Bình, Tuyên Quang) nhập viện với nhiều tổn thương bỏng trên cơ thể.
Nguyên nhân thường gặp nhất là nước sôi
|
Bác sĩ Quàng Văn Hải, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BVĐK Tuyên Quang, cho biết: Tác nhân gây bỏng cho trẻ thường gặp nhất là nước sôi. Ngoài ra có thể là do dầu mỡ sôi, bỏng lửa hoặc điện, hóa chất.
Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như: chân, lưng, cánh cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Các ca bỏng nặng không chỉ phải điều trị lâu dài chi phí lớn mà nặng nề hơn nhiều, đó là để lại những di chứng ảnh hưởng thẩm mỹ, chức năng vận động nếu các phần bỏng gây sẹo sâu, rộng vùng mặt, chi...
Ngoài ra, các vị trí bỏng ở vùng sinh dục còn gây nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản sau này của trẻ.
tin liên quan
Chó cắn người xong thì lăn ra... chếtSơ cứu bỏng đúng cách như thế nào?
Bác sĩ Quàng Văn Hải lưu ý việc sơ cứu đúng ngay khi trẻ bị bỏng sẽ giúp giảm mức độ tổn thương. Khi trẻ bị bỏng nước sôi, việc đầu tiên gia đình cần làm là nhanh chóng bộc lộ vị trí bỏng, đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước mát và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giúp giảm đau, giảm phù nề, và đặc biệt giúp giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng. Hoặc có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần vì ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn. Đây là biện pháp quan trọng số một giúp giảm thiểu mức độ tổn thương.
“Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Không áp dụng các biện pháp truyền miệng như phun rượu, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Có thuốc xịt bỏng thì cần nhanh chóng xịt cho trẻ”, BS Hải hướng dẫn.
Ngoài ra, cần dùng kéo cắt áo quần ra khỏi vết bỏng, tránh để dính chặt vào vết bỏng gây đau rát, dễ viêm nhiễm. Lưu ý, không nên cởi bỏ quần áo khiến trẻ bị lột da vùng bỏng, đồng thời nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, giày dép… trước khi vết bỏng bị sưng nề.
Cần bảo vệ vết thương để tránh tổn thương nặng hơn bằng cách: dùng băng gạc sạch hoặc vải mỏng sạch băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, không băng chặt làm tổn thương do bỏng nặng thêm. Nếu trẻ đau nhiều, nên dùng thuốc giảm đau.
Cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ; để các vật dụng dễ gây bỏng (phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa...) ngoài tầm tay trẻ. Khi nấu ăn, luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong tránh va quệt; không để trẻ nhỏ tự tắm vòi nước nóng lạnh, nếu tắm chậu cho trẻ, cần đổ nước lạnh vào trước và hòa nước nóng sau, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ.
Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu, cần tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ dùng. Không nên ăn thức ăn, uống nước nóng khi bế trẻ nhỏ… tránh trường hợp trẻ nghịch bị đổ gây bỏng
|
Bình luận (0)