Các nhà khoa học tin rằng SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) cuối năm ngoái bắt nguồn từ loài dơi, lây nhiễm cho con người thông qua một động vật có vú khác, theo AFP.
Trong cuộc phỏng vấn với đài CGTN (Trung Quốc) ngày 23.5, giám đốc WIV Vương Diên Dật chỉ trích các tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “bịa đặt” vì ông cho rằng SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ Phòng thí nghiệm An toàn Sinh học quốc gia Vũ Hán (gọi tắt là phòng thí nghiệm Vũ Hán).
“Chúng tôi cô lập và thu được một số mẫu virus Corona từ dơi. Hiện chúng tôi có ba chủng virus Corona còn sống... nhưng chúng chỉ giống SARS-CoV-2 khoảng 79,8%", bà Vương nói.
Bà Vương cho biết thêm nhà virus học Thạch Chánh Lệ đứng đầu nghiên cứu về virus Corona trong dơi từ năm 2004 và “chỉ tập trung truy tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV gây ra dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS)”. "Chúng tôi biết rằng bộ gen SARS-CoV-2 chỉ giống 80% so với SARS-CoV. Đó là một sự khác biệt rõ rệt", bà Vương lưu ý.
Tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với thông báo do WIV công bố trên website chính thức hồi tháng 2. Theo đó, WIV thừa nhận bà Thạch, được mệnh danh là “người dơi”, đã mang về phòng thí nghiệm Vũ Hán một mẫu virus Corona giống SARS-CoV-2 đến 96% sau chuyến thám hiểm hang động ở tỉnh Vân Nam.
Đến nay, nguồn gốc của SARS-CoV-2 vẫn còn là bí ẩn. Ban đầu, chính quyền Trung Quốc cho rằng SARS-CoV-2 bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam có bán động vật hoang dã, vốn nằm gần phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng sau đó cho rằng virus có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 vô tình bị rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán sau một vụ tai nạn. Đáp lại, ông Viên Chí Minh, giám đốc phòng thí nghiệm Vũ Hán, đã bác bỏ cáo buộc này. Sau đó, WHO tuyên bố phía Mỹ không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào.
Giám đốc WIV Vương cho hay phòng thí nghiệm Vũ Hán nhận được các mẫu virus hôm 30.12.2019, xác định trình tự bộ gen của SARS-CoV-2 vào ngày 2.1.2020 rồi gửi thông tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11.1.
"Lúc nhận mẫu virus, chúng tôi hoàn toàn không biết gì về nó. Như vậy, làm thế nào để SARS-CoV-2 có thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm của chúng tôi?", bà Vương nói.
Bình luận (0)