Phong thủy Kinh thành Huế: Cuộc đất vương đảo nơi 'rồng cuộn hổ ngồi'

19/08/2023 07:21 GMT+7

Cuộc đất Kinh thành Huế nguyên trước đây là khu vực có nhiều gò đảo, ao hồ, thuộc 8 làng trù phú bên sông Hương, cho đến khi được chọn làm Kinh đô Huế.

SỰ TÍCH MỤ TRỜI CHỈ ĐIỂM

Kinh thành Huế là nơi đóng đô của vương triều Nguyễn trong suốt 140 năm, từ 1805 - 1945. Hiện nay Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.

Ngược dòng lịch sử, cuộc đất Kinh thành Huế trước đây là khu vực có nhiều gò đảo, ao hồ, được gọi là "vương đảo", thuộc làng Phú Xuân trù phú bên sông Hương.

Người đầu tiên chọn cuộc đất để định đô là Nguyễn Hoàng (1525-1613), quê ở thôn Gia Miêu, xã Hà Long, H.Hà Trung, Thanh Hóa, hay Chúa Tiên, là vị chúa Nguyễn đầu tiên, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn.

Phong thủy Kinh thành Huế: Cuộc đất vương đảo nơi 'rồng cuộn hổ ngồi' - Ảnh 1.

Kinh thành Huế nhìn từ Kỳ đài vào Ngọ Môn

V.T

Sau khi vào Thuận Hóa, chính chúa Nguyễn Hoàng đã nhận xét: "Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng…".

Sách Đại Nam nhất thống chí (NXB Thuận Hóa, 2006) chép: "Chúa thượng đến xã Hà Khê (nay thuộc P.Hương Long, TP.Huế) thấy đồng bằng nổi đất cao như hình con rồng ngoảnh đầu trông lại, phía trước trông ra sông cái, phía sau liền với hồ, phong cảnh đẹp tốt, nhân hỏi người địa phương, họ nói gò này rất thiêng. Tương truyền ngày trước có người trông thấy một bà già mặc áo đỏ quần xanh ngồi trên gò nói: "Phải có chân chúa đến dựng chùa ở đây, mà thu góp khí thiêng để giữ vững long mạch", nói xong thì biến mất, nên gọi là núi Thiên Mụ. Chúa thượng bèn dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ".

Truyện Sự tích chùa Thiên Mụ của tác giả Nguyễn Đổng Chi có dẫn một truyền thuyết kể rằng khi chúa Nguyễn Hoàng đến khu vực ngọn đồi Hà Khê thì gặp một bà lão tóc bạc trắng. Bà lão đưa cho chúa một nén hương và dặn rằng: "Ngươi hãy cầm nén hương này xuôi theo dòng sông, đến nơi nào mà nén hương này cháy hết, thì nơi đó chính là nơi mà ngươi đang cần đến". Theo lời bà lão, chúa Nguyễn Hoàng đã xuôi theo dòng Hương đến địa phận Kinh thành Huế bây giờ thì nén hương cháy hết. Chúa bèn dừng lại tại đó, mở đất, xây thành lập nên vương triều nhà Nguyễn.

Theo tư liệu lịch sử, địa điểm tọa lạc của Kinh thành Huế nguyên đã được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ xứ Đàng Trong từ năm 1687 - 1775, rồi sau đó nhà Tây Sơn dùng làm kinh đô của cả nước từ 1788 - 1801. Vua Gia Long chọn lại địa điểm này để xây dựng kinh thành với quy mô to lớn hơn, nằm trên đất của 8 làng: Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, Thế Lại, An Vân, An Hòa, An Bửu và An Mỹ.

Phong thủy Kinh thành Huế: Cuộc đất vương đảo nơi 'rồng cuộn hổ ngồi' - Ảnh 2.

Kinh thành Huế dưới góc nhìn phong thủy theo sơ đồ của TS Phan Thanh Hải

ĐỊA CUỘC Kinh thành Huế

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, người đầu tiên có sự đánh giá vừa tổng quan vừa cụ thể về phong thủy của vùng đất Huế lại là Lê Quý Đôn (1726-1784), vị bác học lừng danh của nước ta hồi thế kỷ 17. Khi viết sách Phủ biên tạp lục, ông đã nhận xét rất tường tận về địa cuộc xứ Huế. Ở tầm vĩ mô, ông đánh giá đô thành Phú Xuân của chúa Nguyễn được đặt trên một vùng: "đất rộng bằng như bàn tay, độ hơn 10 dặm, ở trong là Chính dinh, đất cao, bốn bề đều thấp, tức là chỗ nổi bật ở giữa đất bằng, ngồi vị càn (tây - bắc) trông hướng tốn (đông - nam), dựa ngang sống đất, trông xuống bến sông; đằng trước là quần sơn, chầu về la liệt, toàn thu nước ở bên hữu, vật lực thịnh giàu".

Chính Lê Quy Đôn đã nhận xét địa cuộc xứ Huế thật hoành tráng và độc đáo: "Dinh Phú Xuân có năm lần hổ thủy (nước về phía hữu) ôm đằng trước: một là nguồn Hữu Trạch chảy xuống là sông Phú Xuân, hai là sông nhỏ An Nông, ba là nguồn Hưng Bình chảy vào đầm Hà Trung, bốn là nguồn Phúc Âu chảy qua Cao Đôi mà vào phá Hà Trung, năm là nước tự đèo "Mệt mỏi" chảy xuống đèo Cảnh Dương (tức sông Bù Lu, Lộc Thủy ngày nay). Có ba lần long sa (cát ở bên tả) ngăn bên tả: một là phố Thanh-hà ở bên tả sông cầu Lạc-nô, hai là các xã Thuận-phước Thuận-hòa ở bên tả thượng lưu sông con ngã ba Sềnh (Sình), ba là các xã Bình-trị Thai-dương ở bên tả hạ lưu phá Tam-giang thẳng đến cửa Eo".

Theo TS Phan Thanh Hải, sau nhận xét của Lê Quý Đôn, hiển nhiên là các vua triều Nguyễn đã tiếp tục lựa chọn Huế làm kinh đô của cả nước Việt Nam thống nhất. Tư tưởng của cả triều đại được thể hiện thật cô đọng trong những lời đầu tiên của Quốc sử quán trong sách Đại Nam nhất thống chí:

"Kinh sư là nơi miền núi miền biển đều hợp về, đứng giữa miền Nam miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng, đường thủy thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu thẳm, đường bộ thì có Hoành Sơn, cửa Ải Vân ngăn chặn. Sông lớn giăng phía trước. Núi cao giữ phía sau, rồng cuộn hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất xếp đặt". (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.