Phong thủy Kinh thành Huế: Thanh Long - Bạch Hổ trong tổng thể Kinh thành Huế

24/08/2023 07:22 GMT+7

Như bài trước đã phân tích hai cách lý giải về Thanh Long, Bạch Hổ của Kinh thành Huế và nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế) cung cấp cái nhìn tổng thể hơn về vấn đề này.

TỪ NGUYÊN TẮC DỊCH LÝ

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nói về phong thủy của Kinh thành Huế từ trước đến nay vẫn chưa có công trình nào đầy đủ một cách tổng thể được phân tích bài bản. Phần nhiều chỉ nói đến lĩnh vực phong thủy như một yếu tố trong các công trình nghiên cứu Kinh thành Huế nói chung.

Ông Nguyễn Xuân Hoa cho rằng khi nói về phong thủy Kinh thành Huế thì phải căn cứ vào nguyên lý của Kinh Dịch để nhìn hệ thống này ở 3 tầng mức khác nhau. Thứ nhất, ở góc độ tổng thể, Kinh đô Huế được định vị ở cuộc đất bao gồm toàn bộ cảnh quan sông núi, ao hồ, địa hình, địa vật của vùng đất. Thứ hai, phải định vị đâu là trung tâm của toàn bộ hệ thống để soi chiếu ra bên ngoài. Và thứ ba là nhìn vào tên gọi, công năng của các công trình được bố trí trong hệ thống đó.

Theo đó, phần tổng thể, nói về hướng, khi các chúa Nguyễn dời dinh chúa về Phú Xuân và khi vua Gia Long, Minh Mạng tiếp tục kế thừa, mở rộng họ đã định vị được hướng của Kinh đô Huế là hướng đông nam, lấy núi Ngự Bình làm tiền án, sông Hương làm minh đường.

Phong thủy Kinh thành Huế: Thanh Long - Bạch Hổ trong tổng thể Kinh thành Huế - Ảnh 1.

Kinh thành Huế nhìn từ mặt trước lên phía tây vùng Kim Long

V.T

Từ trục dũng đạo này, tất cả các công trình kiến trúc đã được bố trí theo một trật tự phù hợp với nguyên lý âm - dương của dịch học. Thứ nhất, ngay vị trí trung tâm trên trục chính là các công trình của vua, hoàng hậu; bên hữu (phải, hướng mặt trời lặn) thuộc về phần âm (gồm các công trình thờ tự và phái nữ); bên tả (trái, hướng mặt trời mọc) thuộc về dương (bố trí, quy hoạch các công trình dành cho người sống, dành cho phái nam, gồm các phủ đệ của các hoàng tử, vương tôn…).

Cụ thể, ngay trong Tử Cấm thành, trên trục chính (dũng đạo), các công trình được bố trí bao gồm: ở trung tâm là điện Càn Thành (nơi vua ở, tượng trưng cho quẻ Càn, trời), phía sau điện Càn Thành là cung Khôn Thái (nơi ở của hoàng hậu, hoàng quý phi, tượng trưng cho quẻ Khôn, đất), thứ đến là các công trình chính hướng ra phía trước bao gồm điện Cần Chánh (nơi diễn ra thường triều), đến điện Thái Hòa (nơi diễn ra các buổi đại triều) thẳng ra Ngọ Môn…, phía sau cung Khôn Thái là các điện Kiến Trung, lầu Tứ Phương vô sự…

Phía bên phải (phần thuộc về âm) bao gồm các công trình (phía trước) Hiển Lâm các (công trình được xem như đài kỷ niệm để ghi nhớ công tích các vua triều Nguyễn và các đại thần có công thờ ở hai nhà Tả Tùng tự và Hữu Tùng tự); kế đến là Thế Tổ miếu (thường gọi là Thế miếu) - miếu thờ chung các vị vua triều Nguyễn, tiếp đến là Hưng Tổ miếu (thường gọi Hưng miếu, thờ ông Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long), phía sau là điện Phụng Tiên (thờ các vị đế - hậu của triều Nguyễn được cúng tế), tiếp đến là cung Diên Thọ (nơi ở của hoàng thái hậu (mẹ vua) và thái hoàng thái hậu (bà nội vua)), cung Trường Sanh (ban đầu có tên cung Trường Ninh), có vai trò như một hoa viên và là nơi các vua Nguyễn thường mời mẹ mình đến thăm thú "thưởng tiết ưu du". Về cuối triều Nguyễn, cung lại trở thành nơi ăn ở sinh hoạt của một số bà hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu như bà Lệ Thiên (vợ vua Tự Đức), bà Từ Minh (vợ vua Dục Đức), bà Tiên Cung (vợ vua Đồng Khánh).

Phía bên trái (phần dương) gồm các công trình thứ tự trước ra sau, gồm Thái Tổ miếu (còn gọi Thái miếu, thờ các chúa Nguyễn), Triệu Tổ miếu (còn gọi là Triệu miếu (thờ ông Nguyễn Kim (1468 - 1545), thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng) và kế tiếp sau đó là các công trình Phủ Nội vụ (cơ sở hậu cần trực tiếp của nhà vua), vườn Thiệu Phương, vườn Cơ Hạ, Thanh Hạ thư lâu (sau là Thái Bình Lâu), Duyệt Thị đường (khu vực dành cho nhà vua và các hoàng tử thư giãn, đọc sách)...

Thanh Long - Bạch Hổ nhìn góc độ tổng thể

Từ nguyên lý âm dương nói trên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, kiến giải về Thanh Long - Bạch Hổ không chỉ gói gọn ở một phạm vi địa hình, địa danh cụ thể mà phải nhìn tổng thể.

Theo đó, phía bên phải của Kinh thành Huế bao gồm cả vùng tây nam được định hình thuộc về âm (hướng mặt trời lặn), có màu trắng (bạch) cũng có thể gọi là cánh Bạch Hổ được quy hoạch để dành cho phần âm, bao gồm khu vực lăng tẩm, chùa chiền, đình miếu… Còn phía bên trái bao gồm cả vùng rộng lớn phía đông bắc, thuộc về dương (phía mặt trời mọc) có màu xanh, thuộc cánh Thanh Long được quy hoạch định hình cho các công trình sinh sống gồm các phủ đệ của các bậc vương, tôn… Phía sau Kinh thành Huế là huyền võ, thuộc hành thủy, màu đen, phía trước Kinh thành Huế là chu tước (màu đỏ)…

Nguyên lý âm dương này được minh chứng qua việc đặt tên gọi cho các công trình ở phía tây nam thường bắt đầu với chữ bạch, như cầu Bạch Hổ, cầu Bạch Yến… Phía đông nam có cầu Thanh Long, cầu Thanh Tước (sau đổi tên thành cầu Đông Hội) và phía sau Kinh thành vì phía bắc thuộc hành thủy, ứng với màu đen (huyền, huyền vũ) có cầu Huyền Hạc (nằm trước mặt cửa Chánh Bắc, tức là cửa Hậu)…

Vì vậy, nói cồn Hến là Thanh Long và cồn Dã Viên là Bạch Hổ là không sai nhưng chưa đầy đủ. Đúng hơn phải nói cồn Dã Viên và cồn Hến là hai triều án của Kinh thành Huế thuộc hai cánh Thanh Long - Bạch Hổ, vì đây là hai đảo nổi rất cân đối trên sông Hương, mà trong đó cồn Dã Viên (nằm bên phải, thuộc cánh Bạch Hổ) còn cồn Hến nằm bên trái (thuộc cánh Thanh Long). (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.