Phong tỏa Đà Nẵng từ ngày 16.8: Các hoạt động diễn ra thế nào?

15/08/2021 19:16 GMT+7

Chính quyền Đà Nẵng đã hướng dẫn cụ thể để các ngành, địa phương có thể triển khai thuận lợi công tác chống dịch Covid-19 trong 7 ngày phong tỏa tới đây.

Chiều 15.8, UBND TP.Đà Nẵng có văn bản triển khai quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14.8.2021 về việc phong tỏa toàn TP, bắt đầu từ 8 giờ sáng mai 16.8.

Lập “đầu não” chống dịch cấp cơ sở

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, Chủ tịch UBND phường, xã được giao thành lập Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn (gọi tắt là Ban điều hành). Bí thư chi bộ khu dân cư, thôn là người đứng đầu chỉ đạo mọi hoạt động của Ban điều hành.
Ban điều hành huy động từ 32-40 người chia thành 3 ca, 4 kíp, mỗi kíp 8-10 người. Thành viên của ban là cấp ủy chi bộ, tổ dân phố/ban nhân dân thôn, mặt trận, các hội đoàn thể, công an, quân đội… cùng với huy động thêm lực lượng như đảng viên, công an, quân nhân nghỉ hưu, công chức về hưu…
Ban điều hành thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, nhắc nhở không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Ban điều hành nắm đầy đủ, chính xác nhu cầu lương thực, thực phẩm của từng hộ gia đình, từng nơi cư trú để cung ứng kịp thời, nhất là các hộ nghèo, hộ khó khăn, người lao động phổ thông..., không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Nhiệm vụ của Ban điều hành còn thiết lập chốt cứng, đảm bảo mỗi khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn chỉ có 1 hoặc 2 lối ra, vào.

Các địa phương sẽ điều chỉnh các chốt trên các đường chính nhằm tăng cường lực lượng kiểm tra, xử phạt người dân vi phạm lệnh cấm ra đường

Ảnh: HOÀNG SƠN

UBND quận, huyện sẽ tiến hành điều chỉnh các chốt kiểm soát trong nội thành theo hướng giảm các chốt trên tuyến đường chính, tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát cơ động và tăng cường lực lượng cho các Ban điều hành để giám sát chặt chẽ trong khu dân cư, thôn.
Chủ tịch UBND các phường thành lập từ ít nhất 5 tổ phản ứng nhanh (công an, quân đội làm nòng cốt và các đơn vị khác là thành viên) để hỗ trợ các Ban điều hành khi có tình huống; tổ chức tuần tra kiểm soát địa bàn, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.

Ngày 15.8: Cả nước 9.580 ca Covid-19, 5.519 ca khỏi; riêng TP.HCM 4.516 bệnh nhân

Cấp thẻ nhận diện cho người hoạt động công vụ

Theo hướng dẫn UBND TP.Đà Nẵng, Công an TP và công an quận, huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn và cấp thẻ nhận diện đối với người và phương tiện tham gia các hoạt động được phép ra ngoài tham gia giao thông theo quy định tại Quyết định 2788.
Các sở, ngành rà soát, cung cấp danh sách của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (như điện, nước, cây xanh, giao thông...) thuộc đối tượng được phép ra ngoài làm nhiệm vụ theo lĩnh vực quản lý cho Công an TP để được cấp thẻ nhận diện theo đúng quy định.
Một số trường hợp được hoạt động trong khung giờ nhất định như tưới cây xanh (từ 21 giờ đến 5 giờ hôm sau), nhân viên vệ sinh môi trường khi thực hiện nhiệm vụ phải mặc trang phục ngành, không cần cấp thẻ nhận diện.
Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng tổng hợp, cung cấp danh sách công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch của các sở, ngành gửi Công an TP để được cấp thẻ nhận diện theo đúng quy định.

Thẻ nhận diện sẽ được lực lượng công an cấp cho đội ngũ thi hành công vụ trong suốt thời gian phong tỏa toàn TP

Ảnh: HOÀNG SƠN

Đối với các cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn, gửi danh sách người tham gia các hoạt động được phép ra ngoài cho Công an TP.Đà Nẵng để được cấp thẻ nhận diện.
Đối với hoạt động tại các cơ quan chính quyền, lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức trực và làm việc tại trụ sở để tham gia nhiệm vụ công tác phòng chống dịch và nhiệm vụ cấp thiết khác (tối đa 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức), phải đảm bảo “3 tại chỗ”. Cán bộ, công chức, viên chức còn lại làm việc online tại nhà.
UBND TP cũng có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp được phép ra ngoài liên quan đến lĩnh vực y tế; hoạt động vận chuyển (lĩnh vực y tế, hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất, hàng hóa theo “luồng xanh” quốc gia, bưu chính nhà nước, vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng nhu yếu phẩm thiết yếu).
Theo quy định, tất cả người điều khiển phương tiện (kể cả người đi cùng trên phương tiện) khi vào các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào TP phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính theo phương pháp PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2.

Tuyệt đối không để người dân tự đi mua hàng hóa

Đối với việc đảm bảo cung ứng, phân phối lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đến người dân (hiện đang được dư luận quan tâm), UBND TP giao Sở Công thương TP xây dựng phương án cung ứng, phân phối hàng hóa, đảm bảo nguồn cung.
Sở Công thương phải chủ động đàm phán, ký cam kết với các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, điều tiết việc cung ứng hàng hóa đến các địa điểm tập kết theo từng địa bàn; phối hợp với các sở, ngành, địa phương điều phối hàng hóa kịp thời.
UBND các quận, huyện xây dựng phương án cung ứng, phân phối hàng hóa trên địa bàn trên cơ sở tận dụng nguồn cung ứng tại chỗ; chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, điều tiết, cung ứng và phân phối hàng hóa đến địa bàn các phường, xã, đảm bảo không để người dân thiếu hàng.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu các địa phương cung ứng hàng hóa, đảm bảo người dân không bị thiếu lương thực, thực phẩm

Ảnh: HOÀNG SƠN

Đáng chú ý, UBND các phường, xã hướng dẫn Ban điều hành trong khu dân cư hỗ trợ người dân mua các nhu yếu phẩm cần thiết thông qua hình thức đăng ký đơn hàng qua Ban điều hành, tuyệt đối không để người dân tự đi đến các nơi cung cấp hàng hóa. Ban điều hành tổng hợp đơn hàng, nhận và giao cho người dân tận nhà.
Các địa phương cũng tổng hợp danh sách các hộ nghèo, cận nghèo, người không có thu nhập, hộ khó khăn gửi Sở Công thương điều phối để các địa phương phân phối đến từng hộ, không để người dân thiếu, đói.
Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu, trong thời gian thực hiện quyết định 2788, giấy đi đường được ban hành theo mẫu trước đó không có hiệu lực sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.