Ngày 27.5, lực lượng chức năng đã phong tỏa một phần hẻm 710 đường Lũy Bán Bích (P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM) vì liên quan đến ca nghi nhiễm Covid-19. Theo trạm y tế P.Tân Thành, một nam thanh niên sinh năm 1999 (ngụ trong hẻm 710 đường Lũy Bán Bích) là F1 khi tiếp xúc với một ca nhiễm Covid-19, kết quả xét nghiệm xác định nam thanh niên này dương tính lần 1 với SARS-CoV-2. Do đó, các đơn vị liên quan đã khẩn trương tạm phong tỏa một phần hẻm 710 đường Lũy Bán Bích.
Theo ghi nhận, hẻm 710 thông với hẻm 644 đường Lũy Bán Bích và có nhiều hẻm nhánh, nhưng khu vực bị phong tỏa khoảng 20 hộ dân. Lúc 13 giờ 30 phút, trong khu vực phong tỏa có dân quân tự vệ, công an và dân phòng đứng gác. Tất cả các hộ trong khu phong tỏa và gần đó đều đóng kín cửa.
|
Một nguồn tin cho biết, từ 8 giờ sáng, công an và nhân viên y tế đã có mặt để phong tỏa, truy vết, khử khuẩn và lấy mẫu xét nghiệm của những người liên quan.
"Phong tỏa nhanh cũng tốt"
Trong lúc cùng chồng đi ra công chuyện, bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh (59 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) được các con thông báo trước nhà có khu phong tỏa nên hớt hải chạy về. Tới nơi, bà thở phào vì thấy lực lượng chức năng đã làm đâu ra đó, khu vực phong tỏa được giăng dây, dựng rào và có người trực ở 2 đầu.
Bà Hạnh nhận xét, thông thường hẻm này cũng có khá đông xe qua lại, nhưng hôm nay vắng vẻ hơn. "Tôi thấy yên tâm vì sự phản ứng nhanh của chính quyền địa phương. Họ phong tỏa cũng nhanh mà khử khuẩn cũng nhanh nữa. Lúc mới nghe tin thì tôi còn lo chứ bây giờ không quá lo đâu, dịch Covid-19 ảnh hưởng chung tất cả mọi người mà, xui sao rớt vô khu phố của mình thì chịu”, bà nói.
|
Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng (50 tuổi, nhà sát hẻm bị phong tỏa) thì kể, sáng nay khoảng 8 giờ, công an, dân quân tới căng dây phong tỏa khiến nhiều người xung quanh tò mò, không biết chuyện gì xảy ra. Ai cũng đứng trên nhà ngó ra xem nhà mình có nằm trong khu vực phong tỏa hay không.
Thay vì hoang mang, ông tự trấn an bản thân mình rằng phong tỏa là một tín hiệu tốt vì địa phương sớm phát hiện những người liên quan đến Covid-19, khoanh vùng và dập dịch.
“Lỡ mà nhà tôi có bị phong tỏa, tôi cũng chịu, vì phối hợp với chính quyền địa phương chống dịch là trách nhiệm của mọi người. Gì thì gì, chứ tôi ý thức lắm. Từ lúc có dịch, tôi cũng hạn chế ra khỏi nhà ở mức tối đa, cũng tuân thủ các biện pháp phòng dịch nên không sợ Covid-19 đâu”, ông Dũng khẳng định.
|
Mỗi lần thấy có xe cua vào ngay đầu hẻm, ông Trần Trung Tuấn (50 tuổi, Q.Bình Thạnh, bảo vệ ngân hàng) liền gọi lớn: "Trong đó phong tỏa rồi, không có vào được đâu”. Theo ông Tuấn, nhiều phương tiện giao thông, nhất là xe tải thường chạy vào bên trong con hẻm vì trong đó có nhiều công ty. Để hỗ trợ cho lực lượng chức năng, ông “nhắc trước” để họ “đỡ quay đầu xe”.
"Đóng quán luôn, không chờ nhắc"
Anh Văn Thành (32 tuổi, chủ quán ăn trước khu phong tỏa) cho biết, ngay khi thấy công an đến giăng dây, nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm, anh đã đóng quán luôn, không chờ nhắc nhở. Đến 14 giờ, nhân viên bên trong vẫn đang tất bật lau dọn, sắp xếp lại bàn ghế cho ngay ngắn.
Anh Thành mới mở quán được 3 tháng và đối mặt với nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Dù vậy, anh vẫn cho rằng, dù TP chưa có yêu cầu, quán gần khu phong tỏa anh tự động đóng cửa để bảo vệ bản thân và khách hàng của mình.
“Tôi chỉ mong nhân viên hiểu được, vì dịch Covid-19 mà, đâu ai muốn đâu. Mong sao mọi chuyện sớm trở lại bình thường”, anh bày tỏ.
|
14 giờ 10 phút, công an đang trốt chực tại hẻm phong tỏa, trời mưa rả rích, một người phụ nữ luống tuổi mặc áo mưa cầm xấp vé số đi vào sâu trong hẻm. Thấy vậy, công an nhắc người này quay ra vì đây là khu phong tỏa. "Trời mưa rồi, số ế rồi, gặp cảnh này nữa không biết sao", người bán vé số vừa quay ra vừa thở dài.
Thường bán hàng rong trong hẻm 710 Lũy Bán Bích, bà Nguyễn Thị Bích Hoa (40 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) cũng giật mình khi đang đi bán như thường lệ thì thấy một phần hẻm căng dây, để bảng “khu vực cách ly”.
“Mới đi bán, chưa mở hàng nữa thì thấy rồi nên tôi định chạy đi chỗ khác. Xui sao trời mưa luôn. Tôi ngồi ở đây đợi tạnh mưa rồi chạy ra chỗ khác, chứ sợ lắm. Vòng vòng đây rồi lát mang bệnh chắc khổ luôn”, bà Hoa nói xong cũng là lúc trời tạnh mưa, bà nhanh chóng đạp xe hàng rong ra khỏi con hẻm.
|
Đã quá trưa, shop quần áo của vợ chồng chị T. (30 tuổi) mới bắt đầu mở cửa. Chị cho hay, việc mở cửa này như cho có lệ giống như mở cửa nhà, chứ mở cũng không có khách. Suốt thời gian dịch, chị bán online để cầm chừng, duy trì một số khoản chi nên cho rằng việc phong tỏa hẻm không ảnh hưởng quá lớn đến shop của mình.
Điều khiến chị lo nhất là hẻm bị phong tỏa có nhiều hộ kinh doanh, phong tỏa ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. "Giờ này ai cũng phải tìm cách thích nghi thôi, chứ ở đó mà ngồi than hay lo lắng cũng vậy. Tôi tin với sự phản ứng nhanh của lực lượng chức năng và ý thức tốt của người dân, TP.HCM sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh thôi”, chị T. lạc quan.
Bình luận (0)