Phòng tránh bệnh sởi như thế nào?

13/08/2024 09:36 GMT+7

Trung bình, một ca bệnh sởi lây cho 12-18 người khác, do đó để chủ động phòng tránh bệnh thì cần tiêm ngừa vắc xin cho trẻ theo lịch, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, tăng cường dinh dưỡng lành mạnh...

Tiêm ngừa vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất phòng sởi

Ngày 13.8, thạc sĩ - bác sĩ Ngô Thị Mai Phương (Phòng khám Nhi và Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM) cho biết sởi là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh qua giọt tiết hô hấp và tỷ lệ mắc bệnh rất cao; đối với người chưa có miễn dịch với sởi, tỷ lệ mắc sởi khi phơi nhiễm vi rút sởi tới khoảng 90%, nguy cơ bùng phát dịch nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Khi mắc sởi, người bệnh có thể có các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, phát ban toàn thân, ho khan, viêm long đường hô hấp, đỏ mắt, chảy nước mắt nước mũi, tiêu chảy, có thể xuất hiện các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, viêm màng não; bệnh sởi rất nguy hiểm ở chỗ có khả năng "xóa trí nhớ miễn dịch", làm suy yếu hệ miễn dịch khiến trẻ dễ mắc các bệnh nguy hiểm khác và nguy cơ tử vong cao.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, xử lý người anti vắc xin sởi

"Hiện nay, cách phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả nhất là chích ngừa vắc xin sởi theo lịch tiêm chủng cho trẻ từ 9 tháng tuổi tại Việt Nam. Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với người nghi sởi, đeo khẩu trang ở nơi đông người, vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên, tăng cường dinh dưỡng lành mạnh, vận động cơ thể, tập thể dục nâng cao sức khỏe, chích ngừa các vắc xin khác theo độ tuổi để tránh nguy cơ mắc các bệnh đồng nhiễm nguy hiểm khác có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn", bác sĩ Mai Phương khuyến cáo.

Phòng tránh bệnh sởi như thế nào?- Ảnh 1.

Trẻ mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM)

C.L

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sởi cũng giống các bệnh vi rút khác đa phần sẽ tự khỏi. Tuy nhiên có những nhóm bệnh sẽ diễn tiến nặng, khi mắc sởi biến chứng viêm phổi bội nhiễm, trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ mắc bệnh mạn tính, bệnh tim, thận… Do đó, tập trung thứ nhất là kiểm soát bệnh trong cộng đồng bằng cách nâng cao độ bao phủ vắc xin đạt 95%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu độ bao phủ vắc xin đạt 95% sẽ kiểm soát được hoàn toàn dịch sởi, chỉ xuất hiện vài ca lẻ tẻ. Thứ hai là bảo vệ tránh lây nhiễm trong bệnh viện, quan trọng nhất bảo vệ nhóm nguy cơ (mắc bệnh lý mạn tính, ác tính, suy giảm miễn dịch).

Tốc độ lây của sởi dữ dội hơn Covid-19

Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, sởi là bệnh lây qua đường hô hấp do vi rút sởi. Trung bình một ca bệnh sởi lây cho 12-18 người khác.

"Nếu so với dịch Covid-19 chúng ta từng đối phó cách đây 3 năm thì một ca Covid-19 trung bình chỉ lây cho từ 2-5 ca. Trong khi đó một ca sởi lây cho 12-18 người, tức mức độ lây lan dữ dội hơn cả Covid. Nhưng dịch sởi khác Covid ở điểm bệnh này đã có vắc xin phòng bệnh và đã được tiêm nhiều trong cộng đồng, có những giai đoạn hầu như không có ca bệnh sởi. Tuy nhiên, do giai đoạn vừa qua có những thời điểm đứt gãy nguồn cung vắc xin do đại dịch nên tỷ lệ bao phủ vắc xin giảm đi khiến số ca sởi gia tăng trở lại", bác sĩ Châu chia sẻ tại cuộc họp họp trực tuyến về tình hình phòng chống bệnh sởi trên địa bàn TP.HCM, chiều 12.8.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết số ca sởi đang gia tăng trên toàn cầu.

Tại TP.HCM, từ 23.5 - 12.8, các bệnh viện trên địa bàn đã tiếp nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó số ca tại TP.HCM chiếm 317 ca. Kết quả xét nghiệm thì có đến 346 ca dương tính bệnh sởi, TP.HCM là 153 ca (chiếm hơn 50%); có 3 ca tử vong tại các bệnh viện do bệnh sởi.

Qua điều tra cho thấy 25% trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi; 9 đến dưới 18 tháng là 24%; từ 18 tháng đến dưới 24 tháng 6%; và 18% là từ 24 tháng đến dưới 5 tuổi… Thống kê trên 115 trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên (đủ tuổi tiêm vắc xin) mắc bệnh sởi thì có đến có 73% hoàn toàn chưa tiêm mũi vắc xin sởi nào, số còn lại không rõ tiền sử tiêm vắc xin.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, phòng bệnh chủ yếu bằng tiêm chủng, vắc xin sởi đã được đưa vào tiêm chủng mở rộng rất sớm. Nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin sởi là vấn đề quan tâm. Tiêm sởi mũi 1 cho đối tượng quy định trên toàn TP.HCM mới đạt hơn 89%, trong khi muốn để dịch sởi không xảy ra thì tỷ lệ bao phủ cần phải đạt trên 95%. Tỷ lệ tiêm vắc xin sởi mũi 2 chưa đạt 95%, nhiều quận, huyện có 4 năm liên tiếp chưa đạt tỷ lệ này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.