Phòng tránh trộm cắp, cướp giật dịp cận tết

15/01/2025 04:00 GMT+7

Thời điểm cận tết các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 'tín dụng đen' gia tăng hoạt động.

Ngày 13.1, Công an TP.HCM phát cảnh báo đến người dân về các loại tội phạm thường xảy ra vào dịp cận Tết Nguyên đán, nhất là trộm cắp, cướp giật, "tín dụng đen"… gia tăng hoạt động.

Phòng tránh trộm cắp, cướp giật dịp cận tết- Ảnh 1.

Chưa đầy 24 giờ kể từ khi tiếp nhận tin báo cướp giật điện thoại của người dân, Công an Q.Tân Bình đã bắt khẩn cấp 2 nghi phạm gây án Lê Quang Nhật và Châu Thanh Phương

ẢNH: CACC

Công an TP.HCM cho biết, thời điểm cuối năm tình hình an ninh, trật tự thường diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, "tín dụng đen" gia tăng hoạt động…

Về thủ đoạn của tội phạm trộm cắp, Công an TP.HCM cho biết các đối tượng nhằm vào các hộ gia đình thường xuyên vắng nhà hoặc không có người trông coi hoặc ở khu vực dân cư thưa thớt. Các cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục mà lực lượng bảo vệ mỏng, hệ thống camera giám sát, hệ thống báo động thiếu hoặc hư hỏng.

Hay lợi dụng sự lơ là, mất cảnh giác của người dân trong quản lý tài sản, chủ yếu là xe máy như: để xe ở nơi vắng, ít người qua lại, để xe ngoài đường, trước cửa nhà, trong sân nhà khuất tầm quan sát, không sử dụng khóa chống trộm, không khóa cổ, khóa càng hoặc quên rút chìa khóa xe. Tại các nơi công cộng như khu vực chợ, công viên, bến tàu, bến xe…

Những cách phòng ngừa trộm cắp

Các đối tượng trộm cắp thường hoạt động từ 2 người trở lên, ăn mặc lịch sự, móng tay để dài, vắt một áo gió trên vai, thường đứng nơi đông người và khi phát hiện người có tài sản như điện thoại di động, ví, tiền… đối tượng sẽ tiếp cận hoặc tạo ra cảnh chen lấn, xô đẩy để thực hiện hành vi trộm cắp.

Công an TP.HCM đưa ra biện pháp đối với các hộ gia đình, cần gia cố các loại cửa, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, chống a xít để chống cắt phá khóa. Khi đi ngủ cần kiểm tra các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa tum, cửa ra ban công, sân thượng.

"Khi vắng nhà qua đêm, vắng nhiều ngày phải nhờ người trông coi. Nên làm tường rào ngăn chặn việc leo trèo từ cây xanh, trụ điện gần để đột nhập vào nhà; trang bị camera giám sát hoặc chuông báo động chống trộm để quan sát từ xa. Tạo mối quan hệ gắn bó với hàng xóm xung quanh, trao đổi số điện thoại để hỗ trợ, cùng nhau bảo vệ tài sản khi cần thiết", Công an TP.HCM khuyến cáo.

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, Công an TP.HCM nhấn mạnh, cần bố trí lực lượng bảo vệ trụ sở 24/24 giờ các ngày, thường xuyên theo dõi, cập nhật về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, nơi cơ quan trú đóng.

Nên lắp đặt camera giám sát, hệ thống báo động… ở những vị trí quan trọng, nơi để tài sản có giá trị cao, xây dựng tường rào, thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm ngặt để bảo vệ tài sản. Tuyển dụng nhân viên bảo vệ có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt.

Đối với tài sản là xe máy, người dân cần trang bị thêm hệ thống chống trộm như khóa bánh, khóa càng, khóa chân chống và khóa điện để chống trộm, lắp hệ thống còi báo động. Chú ý để xe ở những nơi dễ quan sát, phải có người trông coi...

Các chủ nhà trọ thường xuyên cảnh giác với thủ đoạn của các đối tượng đóng giả người thuê trọ để trộm tài sản. Đồng thời, tuyên truyền, cảnh báo khách thuê trọ khóa cửa, cổng cẩn thận trước khi ra khỏi khu nhà trọ. Khi phát hiện nhóm đối tượng nghi vấn trộm cắp tài sản phải thông báo ngay cho chủ nhà trọ, khách thuê trọ khác biết và cơ quan công an gần nhất.

Khi đến các nơi công cộng, đông người hạn chế việc mang, đeo tài sản có giá trị lớn. Khi ra vào cửa hội chợ hoặc lên xuống xe buýt phải giữ chặt tài sản. Nếu bị mất tài sản nên la lớn, nắm ngay tay đối tượng nghi vấn, đề nghị người đứng gần nhất thấy sự việc để làm chứng và nhờ người xung quanh, lực lượng bảo vệ can thiệp.

Nếu bị cướp, cướp giật tài sản thì cần làm gì?

Đối với tội phạm cướp, cướp giật tài sản, Công an TP.HCM cho biết đối tượng thường sử dụng xe máy có tốc độ cao, mặc trang phục hãng xe ôm công nghệ để tránh sự chú ý của người dân. Chúng dạo quanh các tuyến đường, các trụ sở giao dịch của các ngân hàng, các điểm ATM, các cơ sở buôn bán vàng, bạc, kim loại quý. Khi phát hiện người mang theo tài sản có giá trị thì bám theo cướp giật.

Có trường hợp đối tượng dàn cảnh va chạm, chặn đầu xe gây cảnh lộn xộn làm nạn nhân mất tập trung để đồng bọn thực hiện hành vi móc túi, chiếm đoạt tài sản; lợi dụng khu vực diễn ra các lễ hội, nơi tập trung đông người (các điểm bắn pháo hoa, biểu diễn ca nhạc…) để áp sát, che chắn "con mồi" để đồng bọn móc túi, giật tài sản. Nếu bị phát hiện truy đuổi thì chúng sẽ cản trở, chuyển tài sản vừa cướp giật cho đối tượng khác rồi nhanh chóng tẩu tán hòa vào đám đông như chưa có chuyện gì xảy ra.

Công an TP.HCM cho biết, người dân phải nâng cao ý cảnh giác, khi ra đường hay vào các khu vực lễ hội không nên đeo nhiều nữ trang, vàng bạc có giá trị. Các tài sản mang theo như ví, giỏ sách phải cất giữ cẩn thận, chú ý quan sát xung quanh khi di chuyển.

"Không nên dừng, đậu xe nơi vắng, đêm khuya; không nghe điện thoại khi đang di chuyển. Nếu có vụ việc đáng tiếc xảy ra thì nạn nhân phải nhanh chóng tri hô để nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng chức năng và người dân xung quanh", Công an TP.HCM nhấn mạnh.

Ngoài ra, ở các trụ sở giao dịch của các ngân hàng, các cơ sở buôn bán vàng, bạc, kim loại quý cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trang bị kiến thức nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ, và tăng cường hệ thống camera giám sát...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.