Ngòi nổ chống lạm dụng từ Hollywood thức tỉnh thế giới giải trí
Sau nhiều lời cáo buộc quấy rối và lạm dụng tình dục nhắm vào ông trùm hãng phim Harvey Weinstein, Hollywood như sục sôi với phong trào #MeToo (tạm dịch: Tôi cũng thế), kéo theo một loạt cáo buộc các thủ phạm là nhân vật “tai to mặt lớn” trong ngành và những cuộc tuần hành ở kinh đô điện ảnh.
Từ Toronto (Canada) đến Tel Aviv (Israel), phụ nữ ngành công nghiệp điện ảnh đã và đang đồng loạt đứng lên kể câu chuyện của họ và yêu cầu sự thay đổi. Nhà sản xuất Rebecca Long, hãng Boudica Films ở London (Anh), nói: "Quấy rối, lạm dụng rất phổ biến trong ngành công nghiệp của chúng ta, nó không chỉ có ở Hollywood”.
Lấy cảm hứng từ #MeToo, Long và đối tác của cô, Ian Davies, đã phát động chiến dịch riêng mang tên #NoPredators (tạm dịch: Không còn những kẻ lạm dụng tình dục). Chiến dịch này nhằm mục đích thay đổi nền văn hóa điện ảnh Anh bằng cách cho ra một quy tắc ứng xử mới.
Hãng Boudica cũng hợp tác với Equal Justice Solicitors, công ty luật hàng đầu của Anh, nhằm cung cấp tư vấn pháp lý miễn phí cho bất kỳ người nào trong ngành từng bị quấy rối tình dục, lạm dụng tình dục hoặc tấn công tình dục. Hoạt động hỗ trợ này sẽ bắt đầu vào đầu tháng tới. Ngoài ra, như một phần của chiến dịch, Boudica đang khuyến khích tất cả nhân viên ký quy tắc ứng xử không quấy rối và mang băng “No Predator”.
Tương tự, ở Canada, ngành truyền hình nước này đã công bố các bước để giới thiệu quy tắc ứng xử mới. Ngành công nghiệp Canada còn đề xuất "cơ chế tố giác và hỗ trợ hiệu quả" để "thực thi hiệu quả hơn các chính sách hiện có".
Động thái này xuất hiện sau những phàn nàn gay gắt cho rằng nghiệp đoàn không bảo vệ được người làm nghề và chống lại quấy rối tình dục một cách rốt ráo. Nữ diễn viên người Canada Mia Kirshner là một trong số những nhân vật nổi bật nhất lên án hiệp hội diễn viên Canada (ACTRA). Cô nói rằng nó không bảo vệ cô chống lại "thử thách" với Harvey Weinstein, và các diễn viên vẫn sợ nói ra tên những kẻ lạm dụng tình dục vì lo ngại sự nghiệp sẽ “đi tong”.
Tại Thụy Điển, gần 600 nữ diễn viên, gồm cả Alicia Vikander từng đoạt giải Oscar, lên tiếng mạnh mẽ, chỉ ra rằng nạn lạm dụng tình dục đã lan rộng trong nền điện ảnh và sân khấu nước này. Bức thư ngỏ của nhóm chỉ trích các đạo diễn, nhà sản xuất, công ty sản xuất Thụy Điển thất bại trong việc bảo vệ phụ nữ khỏi bị lạm dụng tình dục và vẫn kiếm lời từ những kẻ lạm dụng đã lộ mặt.
Nhóm kiến nghị "không khoan dung đối với nạn lợi dụng tình dục và bạo lực", công ty điện ảnh, rạp chiếu phim, nhà xuất bản sách và các mạng lưới truyền hình Thụy Điển hãy "ngừng bảo vệ, thuê và kiếm tiền với kẻ phạm tội" về bạo lực tình dục. Họ tuyên chiến sẽ khiến những kẻ có tội phải chịu trách nhiệm về việc mình làm: "Chúng tôi sẽ không im lặng nữa”.
Bức thư đã có tác động, khiến Viện phim Thụy Điển (SFI) công bố kế hoạch chương trình huấn luyện bắt buộc về hành vi tình dục cho tất cả các công ty sản xuất liên quan đến ngành công nghiệp điện ảnh. Phát biểu trên The Hollywood, giám đốc SFI, Anna Serner, cho biết các đề xuất "đã sẵn sàng thực hiện” và được trình lên ban giám đốc SFI trong tháng 12. Nếu được thông qua, những thay đổi sẽ bắt đầu ngay năm tới.
Ở Pháp, người chuyên trách về bình đẳng giới Marlene Schiappa đã đề xuất một loạt các thay đổi luật pháp, bao gồm một dự luật phạt tiền áp lên những người tham gia vào hành vi quấy rối trên đường phố, kể cả hành động huýt gió. Bà cũng muốn kéo dài thời hiệu các vụ tấn công liên quan đến trẻ vị thành niên (từ 20 đến 30 năm sau khi nạn nhân dưới 18 tuổi).
Ở những nơi khác, sự thay đổi đang diễn ra dù chậm chạp. Tại Ấn Độ, #MeToo đã gây “bão” trên các phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, trong khi một số nữ diễn viên Bollywood, bao gồm Konkona Sen Sharma, Kangana Ranaut và Radhika Apte, tham gia nhiệt tình, lên tiếng và khuyến khích phong trào thì ngành công nghiệp địa phương vẫn chưa thay đổi cách thức kinh doanh. Chuyện tương tự cũng diễn ra tại Nigeria, nơi lạm dụng khá phổ biến.
Trăm hashtag, một thông điệp: Chấm dứt lạm dụng
Nếu phong trào #MeToo của Thụy Điển đã tạo ra hashtag #gifnadtagning (#silenceaction - tạm dịch: Hành động im lặng) thì ở các ngôn ngữ khác là những hashtag mang ý nghĩa tương tự với những câu khẩu hiệu phù hợp với văn hóa từng khu vực như người dùng Pháp ngữ thì đăng #BalanceTonPorc (tạm dịch: Hãy nói câu chuyện của bạn) khuyến khích công khai những câu chuyện lạm dụng, người dùng tiếng Ý quen thuộc với #quellavoltache (tạm dịch: Thời gian đó, khi mà…). Ở Tây Ban Nha, Israel và Trung Đông, #MeToo được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập.
Nhưng bất kể hashtag nhìn ngoài có vẻ khác nhau thì vẫn truyền tải chung một thông điệp: chấm dứt lạm dụng và thay đổi văn hóa sản sinh ra nó, không chỉ riêng trong ngành giải trí mà là xã hội nói chung.
Nhà sản xuất người Đức Janine Jackowski là một trong nhiều người hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh châu Âu tin rằng sự thay đổi thực sự chỉ có thể xảy ra nếu nhiều phụ nữ tham gia vào hoạt động kinh doanh. Nước này đã có hệ thống hạn ngạch đẩy mạnh phân bổ nguồn ngân sách nhà nước cho phim được viết và đạo diễn bởi phụ nữ. Nước Anh cũng đã đưa ra một chương trình tương tự vào năm ngoái.
Janine Jackowski nói với THR: "Tôi nghĩ rằng sự thay đổi thực sự sẽ chỉ diễn ra khi có thêm nhiều đạo diễn nữ, nhiều nhà quay phim nữ, nhóm trưởng nữ hơn. Thật đáng buồn, thay đổi sẽ chỉ có nếu có các quy định mới. Các chính trị gia phải hành động mới được”.
Nhưng đối với Rebecca Long, cô lạc quan cho rằng "Harvey Weinstein và #MeToo là một bước ngoặt… Sẽ mất nhiều thời gian hơn chúng ta nghĩ và dài hơn chúng ta muốn nhưng thay đổi là điều tất yếu”.
Bình luận (0)