Phong trào “xin ra khỏi hộ nghèo”

11/04/2016 06:12 GMT+7

Phong trào “xin ra khỏi hộ nghèo” đang được ví như một “cuộc cách mạng” trong cuộc chiến đẩy lùi đói nghèo ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An).

Phong trào “xin ra khỏi hộ nghèo” đang được ví như một “cuộc cách mạng” trong cuộc chiến đẩy lùi đói nghèo ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An).

Bà La Thị Nguyệt tự tìm cách thoát nghèo - 	Ảnh: Khánh HoanBà La Thị Nguyệt tự tìm cách thoát nghèo - Ảnh: Khánh Hoan
Năm 2002, gia đình bà La Thị Nguyệt (bản Cửa Rào, xã Môn Sơn, H.Con Cuông) và 29 gia đình dân tộc Đan Lai được đưa ra khỏi rừng sâu, về định cư tại bản Cửa Rào. Các hộ dân được nhà nước xây nhà, bố trí đất sản xuất để thoát nghèo. Thế nhưng mục tiêu ấy không dễ dàng thực hiện. Sau 10 năm đến vùng đất mới, người Đan Lai vẫn quẩn quanh trong đói nghèo và gia đình nào cũng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2012, bà Nguyệt bất ngờ làm một “cuộc cách mạng”, tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để tìm cách thoát nghèo, khiến ai nấy đều ngạc nhiên.
Xin ra để tìm cách thoát nghèo
Mình lên xã nộp đơn, xã nói bà đang nghèo, ra khỏi hộ nghèo là mất hết
quyền lợi. Mình nói mình xin ra là để tìm cách làm ăn mà thoát nghèo chứ không muốn ngồi chờ gạo cứu đói
Bà La Thị Nguyệt, bản Cửa Rào, xã Môn Sơn, H.Con Cuông, tỉnh Nghệ An
“Mình lên xã nộp đơn, xã nói bà đang nghèo, ra khỏi hộ nghèo là mất hết quyền lợi. Mình nói mình xin ra là để tìm cách làm ăn mà thoát nghèo chứ không muốn ngồi chờ gạo cứu đói”, bà Nguyệt chia sẻ. Người phụ nữ rắn rỏi này kể tiếp: “Mình cũng suy nghĩ rất nhiều. Ra khỏi hộ nghèo rồi không còn được hỗ trợ phân bón, giống cây, không còn được cấp gạo... Nhưng mình muốn làm gương cho con cái. Ba đứa con gái đã lấy chồng, đứa mô cũng nghèo và mình không muốn chúng cứ nghèo mãi”.
Sau quyết định táo bạo này, bà Nguyệt cùng chồng vay vốn mua bò, heo, trồng keo trên đất rừng, trồng đủ các loại rau, đậu trong khu vườn trước nhà, với quyết tâm phải hết cảnh nghèo. Năm 2015, gia đình bà Nguyệt đã có 9 con bò, một đàn heo, 6 sào keo đã cho thu hoạch, trở thành hộ có kinh tế khá nhất bản. “Mình phải siêng làm thì mới có mà ăn, chứ để đất nó nghỉ thì đói mãi thôi”, bà Nguyệt đúc kết.
Cách nhà bà Nguyệt chừng vài cây số, gia đình anh Hà Văn Hội ở bản Bắc Sơn năm 2015 là 1 trong số 8 hộ dân tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Hôm chúng tôi đến thăm, đã 11 giờ trưa nhưng vợ chồng anh vẫn còn hì hục cuốc, đào trong rẫy. “Mình còn trẻ, có sức khỏe mà cứ nằm trong diện hộ nghèo mãi thì thấy xấu hổ lắm. Nhà mình còn nghèo thật, nhưng phải xin ra khỏi hộ nghèo để tự thoát nghèo thôi”, anh Hội nói. Để thực hiện mục tiêu tự thoát nghèo, vợ chồng anh mượn đất của những hộ bỏ hoang để trồng lúa, hoa màu, rồi vay vốn nuôi thêm trâu. Hiện, kinh tế gia đình anh Hội dần khá lên, dần xóa đi cái bóng đói nghèo.
Theo ông Lương Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Môn Sơn, hiện cả xã đã có 15 người làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Những người xin ra từ năm 2012 (như bà Nguyệt) và 2013 hiện đều đã thoát nghèo.
Người dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để tìm cách thoát nghèo

“Không muốn trông chờ, ỷ lại”
Cuối năm 2015, cụ Lang Văn Tần (83 tuổi, ngụ bản Liên Sơn, xã Lục Dạ) cũng có một "quyết định gây chấn động" khi viết đơn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo dù cụ đang nghèo rớt mồng tơi, sống một mình từ 20 năm nay trong căn nhà bằng tre nứa trống hoác. Trong căn nhà không có tài sản gì đáng giá ngoài cái quan tài mà cụ đã chuẩn bị sẵn cho mình đang kê ở góc nhà. Cụ Tần kể, khi dự buổi họp bình xét hộ nghèo của năm, thấy nhiều người còn khỏe mạnh giành nhau được hộ nghèo, so sánh nhau từng tí rồi tố nhau, dù được bình xét là hộ nghèo nhưng cụ vẫn quyết định xin rút. “Cứ ngồi hưởng chính sách mãi cũng xấu hổ nên tui phải xin ra thôi”, cụ nói.
Ông Vi Văn Diện (61 tuổi, ở bản Xằng, cùng xã Lục Dạ) cũng “gây bão” cho người dân trong xã khi viết đơn “xin rút khỏi hộ nghèo”. “Tôi tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn sức lao động. Hơn nữa con cái trong nhà đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo đời sống hằng ngày và đủ khả năng vươn lên thoát nghèo. Tôi không muốn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước”, ông Diện viết.
Tín hiệu tốt
Từ năm 2012 đến nay, theo ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Con Cuông, mỗi năm ở huyện có 30 - 40 hộ dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, riêng đầu năm nay đã có 42 hộ viết đơn. Những hộ này thực tế còn nghèo nhưng họ với quyết tâm phải tìm cách thoát khỏi sự nghèo đói đã bủa vây quanh nếp nhà sàn từ nhiều thế hệ. Theo khảo sát, hầu hết các hộ gia đình xin ra khỏi hộ nghèo từ 3 - 4 năm trước, nay đã thoát nghèo theo chuẩn mới.
Ông Phạm Trọng Bình, Chủ tịch UBND xã Lục Dạ, chia sẻ: “Chúng tôi rất mừng vì điều này là tín hiệu chứng tỏ người dân đã thay đổi nhận thức, họ không chịu an phận và đã biết tuyên chiến với đói nghèo”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.