Phong vị báo xuân xưa: Phụ Nữ Tân Văn và cuộc thi bìa báo xuân năm 1933

Phụ Nữ Tân Văn Tết 1930 là một trong những tờ báo xuân phát hành sớm nhất ở miền Nam mà chúng tôi xem được đầy đủ. Trang đầu tờ báo ghi rõ “Số báo mùa xuân 1930”.

Phong vị báo xuân xưa: Phụ Nữ Tân Văn và cuộc thi bìa báo xuân năm 1933 1
Bìa báo xuân Phụ Nữ Tân Văn các năm 1932
Tên tờ báo đặt trên nền mai vàng ẩn hiện và bài thơ bốn câu man mác: “Nghe nói xuân vừa đến/Tìm xuân chẳng thấy xuân/Đầu nhành mai chiếng (?) trổ/Xuân đã vẹn mười phân”. Bài vở bên trong đã có màu sắc báo xuân, như bài Nam Âm thi thoại của Chương Dân (Phan Khôi) viết về thơ xuân của Tú Xương, truyện vui xuân mới, trang nhi đồng...
Năm 1931, Phụ Nữ Tân Văn không ra báo xuân. Đến số báo xuân 1932, bằng kỹ thuật in màu đơn giản, tờ báo danh tiếng này đã trình bày một bìa báo có màu đỏ rực rỡ làm nền cho hình vẽ bình hoa đặt cạnh tờ báo xuân. Nội dung bài vở bên trong đã rõ phong cách báo tết, như có tới hai trang ảnh quê hương đất nước từ nam ra bắc, có những bài mang tính “nhìn lại” như bài điểm qua thơ xuân các nhà thơ từ Tây, Tàu, Nhật đến ta, hay bài viết về phụ nữ Việt bước vào năm 1932 và ngoái nhìn lại năm cũ. Bên cạnh đó, có bài về một nhân vật lớn là Alexandre de Rhodes, về nhân tài đất Việt sống ở hải ngoại là Nguyễn Chấn Nam, một nhà ảo thuật. Tờ báo này dùng minh họa khá nhiều, có trang tới ba, bốn tranh.
Giữa năm 1933, báo Phụ Nữ Tân Văn mặc dù mới ra được 3 số báo xuân đã mở một cuộc thi vẽ bìa báo xuân năm 1934. Đến số báo 229 (ra ngày 21.12.1933), báo đăng danh sách người dự thi và thông báo là đến ngày 25.12 chấm xong sẽ trưng bày các mẫu tranh dự thi tại nhà in Jh Nguyễn Văn Viết. Danh sách gửi tranh dự thi gồm 42 người, có đủ thí sinh các nơi, xa nhất có 2 người ở tận Cao Bằng, 7 người ở Hà Nội, vài người ở Hà Đông, Phúc Yên. Trong nam đông hơn, tập trung nhiều nhất ở Gia Định 7 người, Sài Gòn 3 người và từ các nơi khác như Chợ Lớn, Tây Ninh, Sa Đéc, Tân An, Cần Thơ… Cuối cùng, tòa soạn chấm bức tranh của họa sĩ Nguyễn Cát Tường, tự Lemur, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương giải nhất. Giải nhì trao cho ông Nguyễn Duy Tân, Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một. Bìa báo xuân năm đó rất thơ mộng, với 3 cô gái mặc áo dài ngồi trên thuyền ngang qua bóng của một cây mai trắng cổ thụ đang nở đầy hoa. Dù trong điều kiện in ấn đơn giản của thời đó, dưới tay người họa sĩ có tiếng từng sáng tạo ra chiếc áo dài, bức tranh hiện lên cảnh chơi xuân êm đềm bằng tông màu nhẹ nhàng, hài hòa như trong một giấc mơ xuân êm ả. Có thể nói đây là một trong những bìa báo đẹp trong làng báo xuân Việt trăm năm qua.
Đọc lại 4 tờ báo xuân Phụ Nữ Tân Văn năm 1930, 1932, 1933 và 1934, ta thấy có điều đáng lưu ý là không tờ báo xuân nào nhắc đến năm âm lịch của tết đó, không chỉ trên bìa báo, mà toàn bộ bài vở bên trong. Chi tiết tuy nhỏ nhưng thể hiện chủ trương canh tân mà báo nhắm tới.
Phong vị báo xuân xưa: Phụ Nữ Tân Văn và cuộc thi bìa báo xuân năm 1933 2
Bìa báo xuân Phụ Nữ Tân Văn các năm 1933
Phong vị báo xuân xưa: Phụ Nữ Tân Văn và cuộc thi bìa báo xuân năm 1933 3
Bìa báo xuân Phụ Nữ Tân Văn các năm 1934
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.