Câu hát được chế theo một điệu lý dân gian, vừa hài hước nhưng cũng vừa nói lên được đặc trưng của miền Tây sông nước, đám cưới rước dâu bằng ghe, điểm lên mặt sông những sắc màu lung linh hạnh phúc...
Miền Tây, nơi sông rạch chằng chịt dâng tặng phù sa, thì hầu như đám cưới nào cũng dùng ghe xuồng làm phương tiện giao thông, đưa rước cô dâu chú rể. Chưa hết, có khi ghe cặp bờ rồi vẫn chưa tới nhà cô dâu, phải đi vòng qua mấy cánh đồng hoặc mấy cây cầu tre nữa. Nhớ mãi hình ảnh những chiếc ghe chạy bằng máy koler 4 băng băng lướt sóng, trên ghe là đàng trai, đàng gái áo quần xúng xính, xanh đỏ tím vàng, che thêm những cây dù bông hoa rực rỡ, khiến người bên bến sông phải dừng lại ngắm rồi mỉm cười chia sẻ niềm vui. Lũ con nít thì chạy theo một đoạn, miệng reo to: “A, cô dâu chú rể làm bể bình bông, đổ thừa con nít...”. Nhưng thỉnh thoảng cũng có vụ lật ghe nguy hiểm, hoặc ghe cặp bờ rồi mà cầu trơn trượt quá, mọi người bị té xuống sông ướt hết quần áo. Kể ra ghe xuồng cũng có cái bất tiện.
Bất tiện nữa, là phải đi theo con nước lớn ròng, nước xuôi nước ngược. Thầy coi ngày coi giờ là vậy, nhưng con nước hôm đó lỡ xoay vào ban đêm hoặc nửa khuya, thì phải tính toán cách nào để đi cho được. Tôi nhớ lần đi đám cưới ông anh họ miệt Vĩnh Long, nhà tuốt trong ngọn rạch, phải thức từ 2 giờ khuya để chuẩn bị. Ngồi đánh phấn đánh son mà con mắt mở hổng lên. Rồi lục tục kéo nhau xuống ghe, ngồi suốt 2 tiếng đồng hồ mới tới nhà đàng gái.
Gió sông lồng lộng, mát trời ông địa, đứa này dựa vai đứa kia ngủ gục một hơi cho tới hửng sáng. Mở mắt ra, nhìn nhau, chợt hét lên. Thì ra do nhà ông anh nơi heo hút không có điện, lũ con gái chúng tôi trang điểm với ngọn đèn dầu tù mù, nên phủ màu không chính xác. Có đứa hai cục má hồng đỏ như trái đào, có đứa mắt xanh lè như sắp diễn cải lương... nhìn nhau cười như nắc nẻ, hối hả lấy gương ra dặm lại.
Có lẽ nông thôn quanh năm làm việc lấm lem bùn đất, người ta cứ phải mặc quần áo màu tối, màu trầm, cho nên mỗi khi có đám cưới thì ai nấy cảm thấy hưng phấn rộn ràng với những áo quần tươi tắn. Tôi nhớ hồi ấy nghe nói được đi đám cưới là tôi mừng vui đến mất ngủ, cứ lấy cái áo dài ra ủi tới ủi lui, mong mau tới ngày đi dự. Thực tế trang phục mặc trong đám cưới hồi ấy chỉ có áo dài, đàn ông đàn bà lớn tuổi thì mặc áo dài the, áo dài gấm, còn phụ nữ trung niên và trẻ thì áo dài thêu hoặc in hoa, chứ không có mặc đầm. Thanh niên trẻ và trung niên lại phổ biến quần tây đen, áo sơ mi trắng, đơn giản mà trang trọng. Còn cô dâu thường chỉ đúng hai cái áo, một cái áo dài đỏ để lạy ông bà, một cái xoa rê để đãi khách. Ít ai có nhiều hơn số lượng đó. Nếu nhiều hơn thì chỉ thêm áo dài chứ xoa rê thuê khá đắt tiền, ít ai chịu tốn kém. Chú rể cũng mặc một áo dài gấm lạy bàn thờ, còn khi đãi khách thì mặc veston.
Và có lẽ vì giao thông hơi khó khăn như thế nên người miền Tây giảm hết nghi lễ rườm rà, chỉ giữ lại hai lễ chính là lễ hỏi và lễ cưới. So với người Hoa phải tam thư lục lễ, người Bắc và Trung cũng ba, bốn lần mối mai, dạm, hỏi... thì người miền Tây quá ư đơn giản. Thậm chí chẳng cần vai trò trung gian của bà mối, gia đình chú rể nếu thấy ưng ý cô dâu thì cứ đích thân đến nhà ngỏ lời cùng cha mẹ hoặc trưởng bối của cô. Nếu đàng gái đồng ý thì thêm một lần thăm viếng để bàn bạc ngày cưới và sính lễ. Rồi sau đó tiến hành hai lễ chính ngay.
Tuy nhiên, hồi đó người ta lại kiêng cữ nhiều thứ lắm, thành ra không đơn giản chút nào. Đầu tiên là coi tuổi có hợp không, thầy bói mà phán không hợp thì đừng có hòng được cưới. Bao nhiêu cặp đôi khổ sở vì thầy bói. Trong trường hợp cô dâu lỡ “ăn cơm trước kẻng”, hoặc mang bầu, thì nhà trai chỉ đồng ý làm lễ “phú phạt”, tổ chức cưới đơn giản hơn, ít sính lễ hơn, và rước dâu cửa sau, không cho rước cửa chính, coi như xả xui.
Người ta còn kiêng kỵ ở chỗ rước dâu phải đúng giờ, sai giờ dứt khoát không cho vào. Có chuyện kể một đám nọ bị đàng gái bắt bẻ hoài, đàng trai tức giận bỏ về, dọc đường ghé quán uống nước cho đỡ mệt, thấy cô chủ quán dễ thương quá, cưới luôn, sẵn tiện làm đám khỏi cần coi ngày coi giờ gì ráo, vậy mà ăn ở hạnh phúc.
Kể tiếp chuyện kiêng kỵ, phòng hoa chúc của cô dâu chú rể phải dọn cho tươm tất, rồi khóa lại, không ai được bén mảng, sợ xui. Người đi đưa dâu, rước dâu phải chọn người đủ vợ đủ chồng, không góa, không ly dị. Nghiêm cấm người có bầu đến dự lễ cưới luôn, dù là chị em ruột cũng phải né. Đôi đèn cầy trên bàn thờ gia tiên phải chọn người khéo léo để thắp, sao cho cháy đều hai bên, cháy một lượt, tránh một bên bị yếu, hoặc một bên bị tắt thì cặp vợ chồng sẽ có người yểu mệnh. Mâm trầu cau mở ra, cô dâu chú rể mỗi người bẻ một trái, ai nhanh tay bẻ trước thì sau này sẽ “nắm quyền” trong nhà. Thôi thì, cứ làm theo cho nó yên, kẻo có gì lại bị đổ thừa!
Bình luận (0)