Phong vị miền Tây: Hai loại cầu ‘đặc sản’ vùng sông nước

05/07/2021 08:00 GMT+7

Ở miền Tây Nam bộ trước đây có hai loại cầu mà rất nhiều người đã từng một phen “kinh hãi” khi đi qua. Nhưng bây giờ, hầu như hai loại cầu này đã biến mất, chỉ còn trong hoài niệm.

“Cầu khỉ” là cơn ác mộng của những ai không quen giữ thăng bằng, những ai hay chóng mặt, và cả những ai yếu thần kinh, chưa đi mà chỉ vì ám thị nên sợ. Đó là những cây cầu bắc qua con kênh, con mương, con rạch ở miền Tây, có khi ngắn chừng 5-10 m, có khi cũng dài cỡ 50 m, suốt từ bờ rạch này sang bờ rạch kia.
Thân cầu làm bằng những loại cây trong vườn, nhưng nhiều nhất vẫn là cây tre, bởi cây tre thẳng thớm hơn các loại cây khác, có độ dài lý tưởng, lại nhẹ cân, không cần giàn đỡ quá quy mô. Cầu ngắn thì chỉ cần một cây tre bắc ngang hai bờ, giữa có mấy cây tre khác cắm xuống bùn theo kiểu xóc chéo để đỡ thân cầu bên trên. Đơn giản vậy thôi. Còn cầu dài, kênh rộng thì phải chia làm 2 hoặc 3 đoạn nối với nhau, và ghép 2 cây tre lại làm thân cho chắc, cũng có thêm vài đoạn xóc chéo cho vững. Phía trên thì thêm một hàng dài tay vịn cũng làm bằng tre.

“Cầu khỉ” là cơn ác mộng của những ai không quen giữ thăng bằng

ẢNH: T.L

Nhưng nói thiệt, dù có làm vững cách mấy thì cây cầu cũng lắc lư theo nhịp chân, cả cái tay vịn cũng lắc lư luôn, đi mà như làm xiếc, tay chân rụng rời. Họa chăng lanh lẹ như con khỉ mới đi qua được, chắc vậy mà có cái tên “cầu khỉ”. Còn một ý nghĩa khác là khi người nào sợ quá đi không được, phải xách dép rồi cúi người xuống bò từng chút từng chút, nhìn y như con khỉ. Bao nhiêu người đã phải bò như thế, và la hét vang trời. Nhất là người ở tỉnh lỵ, ở thành phố về quê chơi, thăm bà con, thể nào cũng được một trận la hét và bò. Thực tế, càng đi chậm càng lắc lư, càng sợ. Người quê họ đi cái ào qua thiệt lẹ, cầu chưa kịp lắc thì họ đã tới bờ bên kia. Nhưng bọn trẻ con thì có đứa đi giỏi, có đứa đi dở, vì vậy mỗi ngày đi học đều có đứa rớt cái tủm xuống kênh/rạch, ướt hết cặp sách. Mùa nước nổi, nước ngập lút cầu, vừa đi vừa dò dò bàn chân, mới “vui”, nhưng nếu dò trật một cái thì coi như lội luôn về nhà.
Hỏi sao không lấy cây gì bự bự làm cầu, mà cứ lấy cây ốm nhom ốm nhách? Hết tre thì tới cây tràm, tong teo phát ớn. Ừ, thì xài vậy cho đỡ giàn xóc chéo bên dưới và cây tre, cây tràm rất bền, rất dai, nắng mưa gì cũng không mục, đỡ mắc công làm đi làm lại. Vùng sông nước thì phải tính theo sông nước chứ. Thì vậy, cho nó ra cái “đặc sản” miền Tây.
Còn “cầu cá vồ” là một phương tiện sinh hoạt cần thiết nhưng cũng không kém phần “kinh dị” ở miền Tây. Người ta có thể không đi cầu khỉ, nhưng “đi cầu” cá vồ là phải đi chứ không thể nào từ chối. Hóa ra trong miền Nam, “đi cầu” tức là “đi vệ sinh”. Và sở dĩ gọi là “đi cầu” là bởi gắn tới cái cầu cá vồ. Sau này người ta hay gọi cá tra, nhưng xin thưa đó là tiếng miền Bắc du nhập, chứ miền Nam thì hay gọi là con cá vồ, và cầu cá vồ. Chắc có lẽ chúng nó tranh nhau vồ phân, nên người ta gọi tên vậy luôn.

"Cầu cá vồ” ở miền Tây hầu như đã biến mất, giờ chỉ còn trong hoài niệm 

ẢNH: T.L

Cây cầu gồm một thân cầu làm bằng miếng ván bề ngang khoảng 40 cm, dài khoảng 2-3 m, bắc từ bờ đất ra giữa một cái ao. Cuối miếng ván, người ta lấy lá hoặc ván quây kín lại thành cái hộp 4 vách, hở phía trên và phía dưới. Người đi cầu sẽ thấy mát rượi, tha hồ “trút bầu tâm sự”, còn lũ cá thì hân hoan đánh chén. Khổ nhất là mùa nước dâng, người và cá chỉ cách nhau 30-40 cm, nước văng tung tóe, mỗi lần đi xong phải chạy về tắm cho lẹ. Nhưng ái ngại nhất là khi mình đang “đi” mà có ai đó tới chờ vì không có gì che chắn cả. Nhưng hồi xưa chỉ có thanh niên thiếu nữ hay mắc cỡ thôi, chứ người lớn họ vô tư, người trong cầu và người ngoài cầu hỏi chuyện nhau tíu tít, có người còn hát vọng cổ vang trời nữa chứ.
Còn cá vồ liệu có ăn được không? Được! Với điều kiện trước khi bắt bán thì chủ ao phải bế cầu lại 1-2 tuần, không cho ai đi, mở ống bọng cho nước sông ra vô liên tục, đến khi ao sạch hẳn, cá cũng nhịn đói đến sạch cả ruột. Nó không chết đâu, chỉ ốm tí thôi, nhưng con nào cũng còn to cả ký, ký rưỡi. Cá vồ nấu canh chua, kho hay làm khô đều được.Tuy nhiên, cũng có những người dứt khoát không ăn, như gia đình tôi. Thực tế bây giờ con cá vồ (cá tra) đã được nuôi ở bè, sông lớn, nước sạch, thịt cá rất ngon. Nhưng nhiều người vẫn không thể ăn được vì bị “ám thị” bởi hình ảnh cầu cá vồ miền Tây hồi xưa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.