Trên mạng xã hội, anh Đạt thông tin: “Chào các bạn, mình là Đạt, mình là shipper… Mình nhận chuyển đồ từ thiện free, đặc biệt là các tuyến đường nhiều chốt kiểm soát. Mình ở Trường ĐH Sư phạm, rảnh lúc nào mình sẽ đi lúc đó, nên các bạn cần hỗ trợ cứ nhắn tin,… mình sẽ chủ động nhắn hoặc gọi lại. Cảm ơn các bạn và mong chúng ta sẽ vượt qua đại dịch!”.
Ít ai biết chủ nhân của dòng trạng thái này là một phóng viên đang công tác tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội. Chia sẻ với Thanh Niên về việc “ẩn mình” để làm công việc thiện nguyện này, anh Đạt cho biết khi đi tác nghiệp anh đã gặp không ít trường hợp có hoàn cảnh éo le, là những người lao động tự do bị mất việc làm, không có thu nhập, họ phải nhờ sự trợ giúp của cộng đồng.
Trong khi đó, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội thì những người muốn trợ giúp cũng không có lý do để ra đường, việc gọi shipper cũng vô cùng khó khăn. Vì vậy, anh Đạt đã nảy ra ý tưởng sẽ giúp đỡ họ trên cung đường được phép đi làm.
Sau khi đăng thông tin, đã có rất nhiều người muốn anh Đạt giúp đỡ. “Ngày đầu tiên chưa có kinh nghiệm, tôi nhận tới 25 “đơn hàng”, chạy nguyên cả ngày bằng xe máy với gần 100 km, vì cứ lộn đi lộn lại. Sau đó, tôi đã sắp xếp lại công việc, thời gian và chỉ nhận mỗi ngày khoảng 7- 8 đơn hàng cho những người thực sự khó khăn”, anh chia sẻ.
Theo anh Đạt, cũng có những người anh phải từ chối giúp đỡ vì không cùng cung đường đi làm, đặc biệt có những đơn hàng không thực sự là hàng cứu trợ mùa dịch, nên anh đã khuyên họ nên gọi shipper “xịn” để những người làm nghề này có thu nhập, còn anh có thời gian giúp những người thực sự khó khăn.
Từ khi nhận công việc này, anh Đạt đã không có giờ nghỉ. Cứ vừa làm việc, anh vừa nhận “đơn” rồi tranh thủ lúc đi làm buổi sáng và chiều về lại kết hợp làm shipper miễn phí. Có những ngày, đến đêm anh mới về đến nhà. Anh Đạt cũng cho biết khi đi làm công việc từ thiện này, anh đã được chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khiến anh rơi nước mắt.
|
“Có một bà mẹ tôi hẹn 18 giờ đến giao hàng nhưng vì bận công việc nên tôi chưa kịp đến. Lúc 18 giờ 30 chị ấy gọi điện giục, tôi cáu lên nói: Em chỉ giúp thôi chứ không phải shipper. Xong chị ấy nhắn lại là: tại nhà hết gạo mất rồi, con đói mà chưa có gì cho ăn. Lúc đó, nước mắt tôi trào ra và tôi tức tốc phóng thẳng đến nhà, kịp đưa cho chị. Thấy đồ cứu trợ chỉ có gạo và vài gói mì tôm, tôi lại chạnh lòng mua cho chị mấy quả trứng và tặng một chút tiền dặn chị mua thịt cho con ăn”, anh Đạt chia sẻ.
Tình người trong mùa dịch
Điều anh xúc động nhất là trên hành trình thiện nguyện này là đã gặp rất nhiều tình người. “Có một người là lao động tự do mắc kẹt tại Hà Nội, ăn mì tôm từ thiện qua ngày. Anh này tiết kiệm tiền mua được cho con 2 hộp sữa nhưng chưa kịp gửi về quê. Thấy có hoàn cảnh khó khăn hơn, anh đã gửi tôi đi trao tặng. Anh bảo thấy con người ta khát sữa cũng như con mình thôi”, anh Đạt xúc động kể.
Anh cũng cho biết khi đi tìm hiểu thực tế mới thấu hiểu nỗi khổ của những người khó khăn đang mắc kẹt ở Hà Nội. Họ lên đây mưu sinh, để gửi tiền về nhà vì nhà họ khó khăn thì đến khi họ mất việc, ở nhà cũng không có gì mà gửi lên cho họ được. "Tôi không có tiền để cho họ. Vì thế, tôi cũng chỉ đem công sức nhỏ bé của mình, góp chút tiền xăng để vận chuyển giúp những người có lòng hảo tâm gửi đến cứu trợ cho họ”, anh Đạt trải lòng.
|
Là một người khó khăn đang nhận được sự giúp đỡ của anh Đạt, chị Nguyễn Thị Quý, lao động tự do mất việc đang ở trọ tại Hà Nội, chia sẻ chị quê ở H.Đô Lương, tỉnh Nghệ An, là mẹ đơn thân cùng con nhỏ ra Hà Nội mưu sinh. “Gia đình tôi khó khăn do bố mẹ đã 80 tuổi, anh em cũng phải đi làm thuê kiếm sống, nên khi chia tay chồng, mẹ con tôi phải dắt díu nhau ra Hà Nội mưu sinh. Vừa ra chưa được 1 tuần thì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nên tôi không có thu nhập, phải nhờ sự trợ giúp của cộng đồng và anh em bạn bè đồng hương”, chị Quý tâm sự.
Hôm được anh Đạt giúp đỡ, nhà không còn gì để ăn nên chị Quý được một đồng hương cũng đang khó khăn nhưng gửi cho ít gạo và mấy gói mì, nhưng không đi lấy được, nên nhờ anh Đạt mang đến giúp. “Thực sự tôi rất cảm động vì bạn Đạt quá tình người. Thấy tôi khó khăn, bạn ấy còn chạy đi mua trứng tặng hai mẹ con và khi tôi mở bao gạo ra còn thấy bạn ấy để vào 100.000 đồng, dặn tôi mua thêm thức ăn cho con”, chị Quý ứa nước mắt chia sẻ.
Đồng nghiệp của anh Đạt nhận xét: Đạt là phóng viên xông xáo, nhiệt tình và lăn xả với công việc. Khi phải đi tác nghiệp trong bộ đồ bảo hộ, Đạt sẵn sàng cạo trọc đầu để thuận tiện cho công việc.
Đạt kể: "Sau một vài lần đưa tin tại các điểm nóng dịch bệnh, phải mặc đồ bảo hộ, mình đã thấy hạn chế của việc để tóc dài, gây nóng, bí, không thoát được mồ hô. Mình cũng không quá để ý đến bề ngoài nữa, miễn sao thuận tiện nhất cho công việc là được”.
|
Bình luận (0)