Phù điêu 'lưu diễn' trên thế giới

25/04/2024 07:10 GMT+7

Quốc bảo bức phù điêu Đản sanh Brahma có giá trị thế nào để Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York, Mỹ) chọn và hoàn tất hàng loạt thủ tục phức tạp để 'mượn' về trưng bày, giới thiệu đến công chúng cách đây tròn 10 năm?

TÁC PHẨM ĐỘC ĐÁO

Trong danh sách được công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12) vào ngày 18.1.2024, phù điêu Đản sanh Brahma (ký hiệu BTC 25, ký hiệu cũ là 17.8) được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là hiện vật có giá trị nghệ thuật rất cao. Có mặt tại bảo tàng, chúng tôi chứng kiến cảnh các đoàn khách đến tham quan thường dừng lại rất lâu trước bảo vật này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cũng như tìm hiểu nội dung được khắc tạc trên bức phù điêu.

Du khách say mê trước vẻ đẹp của phù điêu Đản sanh Brahma

Du khách say mê trước vẻ đẹp của phù điêu Đản sanh Brahma

Hoàng Sơn

Theo hồ sơ hiện vật, phù điêu Đản sanh Brahma có chất liệu sa thạch; cao 114 cm, dài 240 cm, rộng 30 cm, trọng lượng khoảng 400 kg. Phù điêu thể hiện thần Vishnu nằm dài, nghiêng về bên phải, tay phải chống gập lại để nâng đầu, tay trái giữ cọng sen mọc từ rốn. Phía sau đầu gối thần Vishnu thể hiện hình ảnh một đạo sư đầu đội mũ chóp tròn, gương mặt nhìn nghiêng, có râu mép và râu cằm dài nhọn, hai tay xòe hướng về phía thần thành kính. Chính giữa bức phù điêu, từ rốn thần Vishnu mọc lên một đóa hoa sen nở có cuống, bên trên hoa sen là thần Brahma trong tư thế ngồi thiền định. Ở hai đầu của bức phù điêu là 2 Garuda đối xứng nhau trong dáng đầu người mình chim.

Ông Trần Đình Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết phù điêu Đản sanh Brahma là bức chạm khắc trang trí trên vòm cửa của tháp Mỹ Sơn E1, được nhà khảo cổ người Pháp Henri Parmentier và các cộng sự tìm thấy tại tháp Mỹ Sơn E1 trong đợt khai quật năm 1903-1904 và đưa về bảo tàng từ năm 1935. Đây là tác phẩm duy nhất tìm thấy ở Mỹ Sơn thể hiện đề tài thần thoại về thần Vishnu nằm thiền định bồng bềnh trên biển vũ trụ và từ rốn của thần Vishnu mọc lên đóa hoa sen với thần Brahma tọa lạc bên trên, bắt đầu công việc sáng thế. "Ngoài nội dung đã nêu, bức phù điêu còn mang giá trị nghệ thuật rất cao, được công chúng yêu thích khi ghé thăm bảo tàng", ông Hà nói.

Anh Lý Hòa Bình, cán bộ bảo tàng, thông tin thêm trong bộ sưu tập của bảo tàng còn có 2 phù điêu cùng chủ đề ở Phòng Trà Kiệu và Phòng Quảng Ngãi. Tuy nhiên, phần thể hiện thần Brahma của tác phẩm này đã bị thất lạc và các chi tiết, đường nét điêu khắc có phần mòn mờ, không sắc nét, tinh tế, đầy đủ tính biểu trưng như tác phẩm của tháp Mỹ Sơn E1. "Tại Campuchia, một số lượng lớn phù điêu thể hiện đề tài này, phong phú về phong cách, chất liệu… Riêng ở VN, văn hóa Champa tuy ảnh hưởng Ấn Độ giáo nhưng hiện vật thể hiện chủ đề này rất hiếm hoi", anh Bình nói và cho biết phù điêu Đản sanh Brahma của tháp Mỹ Sơn E1 là cứ liệu cho thấy sự tiếp xúc rất sớm và mạnh mẽ giữa văn hóa Ấn Độ và văn hóa Champa.

NHỮNG CUỘC 'DU HÀNH' TRỊ GIÁ TRIỆU USD 

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, nguyên quản thủ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nhận xét phù điêu Đản sanh Brahma tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là hiện vật có giá trị tiêu biểu trong văn hóa, nghệ thuật Champa. Tác phẩm với ngôn ngữ nghệ thuật, chủ đề tương đồng với phong cách Prei Kmeng ở Campuchia cho thấy sự du nhập sớm của Ấn Độ giáo vào vương quốc Champa nói chung và văn hóa Champa nói riêng ở thế kỷ 7-8.

Bức phù điêu đẹp tinh tế trong từng đường nét

Bức phù điêu đẹp tinh tế trong từng đường nét

Về đề tài, bảo vật thể hiện điển tích trong văn hóa Ấn Độ, được biết đến trong tiếng Phạn dưới tên gọi Visnu Anantasayin. Những nhà chuyên môn cũng nhận định, phù điêu Đản sanh Brahma được chạm khắc đẹp, cân đối, hài hòa, thể hiện thần Vishnu nằm thiền định bồng bềnh trên biển vũ trụ và từ rốn của thần Vishnu mọc lên đóa hoa sen với thần Brahma ngồi thiền định trên đó là một hình thức độc đáo, hiếm thấy trong nghệ thuật điêu khắc Chăm.

Do được tìm thấy cùng địa điểm với các hiện vật khác như đài thờ Mỹ Sơn E1, cột cửa, tượng Ganesha đứng của tháp E5... nên phù điêu Đản sanh Brahma này thuộc phong cách Mỹ Sơn E1, niên đại thế kỷ 7. Ngoài ra, sự tương đồng về chủ đề điêu khắc và qua đối sánh một số chi tiết của phù điêu Đản sanh Brahma với các tác phẩm điêu khắc thuộc nghệ thuật Dvaravati của Thái Lan và tiền Angkor của Campuchia cũng cho phép giới nghiên cứu xác định tác phẩm này có niên đại vào thế kỷ 7.

Phù điêu 'lưu diễn' trên thế giới- Ảnh 3.

Bức phù điêu đẹp tinh tế trong từng đường nét

Trong quá trình tìm hiểu "lý lịch" bảo vật, chúng tôi được nhiều cán bộ bảo tàng kể về hành trình "xuất ngoại" của phù điêu này. Đó là vào năm 2005, bảo vật này đến Bảo tàng Quốc gia nghệ thuật châu Á Guimet ở Paris (Pháp) để ra mắt công chúng. Sau đó, vào năm 2014, một trong những bảo tàng hàng đầu thế giới là Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Mỹ) mở cuộc trưng bày "Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo - Ấn Độ giáo của những quốc gia đã mất ở Đông Nam Á" đã mượn bức phù điêu về trưng bày.

Hành trình để bảo vật này vượt nửa vòng trái đất và góp mặt tại triển lãm kéo dài trong 3 tháng (4 - 7.2014) cũng lắm ly kỳ. Để có thể mượn cổ vật, phía bảo tàng đã tìm hiểu và thực hiện các hồ sơ, thủ tục trong vòng 3 năm với nhiều công đoạn đàm phán, ký kết, đảm bảo an toàn... Để phù điêu Đản sanh Brahma có thể ra khỏi bảo tàng, các bên liên quan đã thực hiện hàng loạt bước kiểm tra an ninh, như quét ảnh, ghi chú, khảo tả... Đáng chú ý, phía bảo tàng Mỹ đã mời đơn vị độc lập để đánh dấu bảo mật trên hiện vật. Đây là công đoạn nhằm đảm bảo hiện vật không bị đánh tráo. Trong những lần "xuất ngoại", Đản sanh Brahma luôn được đóng gói bởi những đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp và được mua bảo hiểm trị giá cả triệu USD. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.