Hiểu nôm na, phù hiệu là hình ảnh để phân biệt giữa trường này với trường khác, chỉ cần nhìn vào phù hiệu ấy là có thể biết học sinh đó đang học trường nào.
Nếu chỉ dừng lại ở điểm này thì không có gì để nói, chỉ vì nhiều trường học hiện nay đang lợi dụng chuyện này để “bắt học sinh theo ý mình”, tức là học sinh phải chọn sản phẩm của trường thì mới được chấp nhận. Đấy mới là điều đáng nói vào năm học mới.
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Khiết khai giảng năm học mới |
T.Phương |
Có trường thì không để tâm lắm đến việc này, miễn sao ăn mặc đẹp, đúng chuẩn mà trường yêu cầu là được. Ví dụ, Trường THPT Chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) chỉ yêu cầu học sinh phải có phù hiệu theo mẫu quy định, còn không ép học sinh phải mặc đồng phục “theo ý trường” rồi mới đính phù hiệu lên. Các em muốn may quần áo ở đâu thì tùy, chất liệu vải cũng tự do lựa chọn, nhưng bộ đồng phục ấy dứt khoát phải được đính phù hiệu của trường vào vai áo.
Ngược lại, có không ít trường ở một vài thành phố lớn hiện nay họ in phù hiệu luôn vào vai áo, hoặc in một vài hình ảnh “nhẹ nhàng” vào gấu áo, mà chiếc áo đó thì chỉ có trường ấy mới “sản xuất” được. Phù hiệu đính trên vai áo thì không bao nhiêu tiền, song muốn cho phù hiệu đúng “quy chuẩn” thì phải mua áo của trường. Khoan nói đến chuyện giá cả có hợp lý hay không, chỉ xem quy định đồng phục như thế của trường thì thấy có gì đó như là ép học sinh. Có trường cho rằng tiền cho vài bộ quần áo của học sinh không bằng một tháng học thêm của một môn học nào đó. Đúng thế thật, nếu quy đổi ra tiền thì tiền trả cho học thêm mới là điều đáng kinh ngạc chứ vài bộ quần áo cho một năm học thì đáng gì.
Tuy nhiên, việc nào ra việc đó, phụ huynh cũng không quá đặt nặng về tiền mua quần áo của trường đắt hay rẻ mà chỉ nói đến chuyện quy định “mua áo của trường” là điều bất hợp lý. Mà đã bất hợp lý thì dù có rẻ mấy đi nữa thì cũng bị phản ứng. Nhưng trong trường hợp “mua áo của trường” thì hiển nhiên là không thể rẻ hơn chỗ khác được. Đó là điều chắc chắn.
Cứ vào mỗi dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới, hình ảnh thường thấy là sự tất bật ngược xuôi không chỉ của phụ huynh mà còn của các ông chủ cửa hiệu may quần áo cho học sinh. Nếu chuyện “tất bật” ấy mà thuận buồm xuôi gió thì hàng ngàn bộ quần áo sẽ được cho ra lò từ những ông chủ hiệu may này. Không ai trách chuyện “đi tìm đầu ra” của các ông chủ hiệu may cả, phụ huynh chỉ mong được thoải mái trong việc chọn lựa chất liệu vải, chọn đúng cửa hiệu may mà mình ưa thích chứ không muốn bất cứ một sự áp đặt nào từ các trường mà con em họ đang theo học.
Một năm học mới đã đến, những lo toan cho con em mình của các bậc phụ huynh về chuyện quần áo, giày dép, sách vở cũng đã tạm qua. Chỉ mong rằng, câu chuyện về phù hiệu liên quan đến đồng phục của học sinh sẽ không lặp lại ở các trường nữa. Một nền giáo dục lành mạnh cần phải được bắt đầu từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy.
Bình luận (0)