Phụ huynh chi bao nhiêu tiền một tháng cho con học thêm?

21/11/2022 07:55 GMT+7

Học thêm toán tư duy, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung hoặc tiếng Nhật, Pháp…), học thêm bơi lội, múa hát, bóng rổ , đàn, trống… Nhu cầu học thêm càng ngày càng đa dạng. Các phụ huynh đã chi bao nhiêu tiền một tháng cho con học thêm?

Con sắp vào lớp 1, anh Nguyễn Q.H., trú Q.5, TP.HCM, phụ huynh một bé học một trường mầm non tư thục đăng ký thêm cho con 2 buổi một tuần học tiền tiểu học, giá 600.000 đồng/tháng.

Bên cạnh đó, anh vẫn duy trì việc cho con học thêm tiếng Anh, học đàn piano, học vẽ ở trung tâm, học bơi. Trung bình mỗi tháng tiền học thêm cho bé khoảng 6 triệu đồng.

Bơi cũng là lựa chọn của nhiều phụ huynh khi đầu tư cho con học thêm kỹ năng

nhật thịnh

“Học bơi là tôi và mẹ cháu thấy cần thiết. Còn lại các môn mà gia đình đăng ký cho bé học thêm là từ sở thích, năng khiếu của con, học cũng là một cách để có bạn, để được chơi”, phụ huynh này chia sẻ.

Có 2 con học cấp tiểu học và THCS ở trường quốc tế, Nguyễn H.T, trú Q.7, TP.HCM đầu tư lớn cho con học thêm các môn toán tư duy, toán trên app, toán nâng cao, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Việt cho tới đàn piano, trống, xe đạp biểu diễn… Học phí của mỗi trường là 500-580 triệu đồng/năm, chưa kể tiền học thêm nếu cho con đến trường 3 tháng hè. Tổng chi phí học chính, học thêm của 2 bé là gần 2 tỉ đồng/năm.

Poll TNO
Tiền học thêm mỗi tháng

Vì sao phụ huynh đầu tư lớn cho con học thêm?

Chị H.T lý giải: “Tôi nghĩ rằng tâm trí trẻ em như một căn phòng trống, nếu như mình không sắp xếp đồ tốt vào thì các con cũng nhét những thứ linh tinh khác. Phụ huynh cần định hướng để con được học những điều ý nghĩa để con được suy nghĩ, tư duy liên tục. Quan trọng là cả các con đều thấy vui vẻ với các môn học, từ năng khiếu của bản thân, được gợi mở trong quá trình học trên nhà trường, các con muốn được mẹ cho đi học thêm các môn mà chúng đặc biệt yêu thích. Từ các lớp học, các con có thêm những người bạn, xây dựng những cộng đồng”, chị nói.

Tiếng Anh là môn được học thêm nhiều

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Brian Le, giám đốc điều hành Trường quốc tế TIS, cho biết việc học thêm các môn như ngoại ngữ, toán tư duy, các môn khoa học, nghệ thuật, kỹ năng sống… là nhu cầu chính đáng từ học sinh nói chung, và cả học sinh trường quốc tế.

Khi việc học thêm được trở về đúng với bản chất của nó, được xuất phát từ nhu cầu của người học, vì sự phát triển của người học và hoàn toàn dựa trên nhu cầu này thì không có ý nghĩa tiêu cực.

“Cách học thêm hiệu quả nhất là lắng nghe nhu cầu - ý kiến của chính con em mình, cho trẻ được trải nghiệm, tham khảo cách tổ chức của nhà trường nơi cho con học chứ không phải chạy theo số đông, học trước chương trình, nhồi nhét, gây quá tải. Về lâu dài, việc học đa dạng kiến thức, kỹ năng góp phần nâng tầm học sinh, nâng cao chất lượng nhân lực trong tương lai. Nhưng trước tiên, khi cho trẻ được trải nghiệm nhiều điều từ chính sở thích, sự tò mò, đam mê của trẻ là chúng ta đang giải quyết vấn đề cốt lõi, đó là sự lớn lên, trưởng thành của mỗi học sinh từ trên ghế nhà trường”, ông Brian Le trao đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.